Cơ cấu lại nền kinh tế: Còn nhiều bề bộn
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức cuối năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã thông tin về kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, qua đó phần nào cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam sa
Chuyển biến tích cực và thực chất hơn
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 diễn ra mạnh mẽ, có nhiều chuyển biến tích cực và thực chất hơn; các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã được tiến hành theo yêu cầu đặt ra. Nhiều nỗ lực để tận dụng cơ hội cách mạng 4.0 đã được thực hiện, hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trong 67 mục tiêu đặt ra đến năm 2020, có 27 mục tiêu hoàn thành, chiếm 40,3%; 23 mục tiêu có khả năng hoàn thành, chiếm 35,8%; và 17 mục tiêu cần có giải pháp thúc đẩy để hoàn thành, chiếm 23,9%. Mô hình tăng trưởng bước đầu đã có chuyển biến tích cực và tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN 4 dần được thu hẹp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, 3 nhóm nhiệm vụ lớn gồm cơ cấu lại DNNN, cơ cấu lại đầu tư công và cơ cấu lại các TCTD đều được các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực.
Đặc biệt đối với tái cơ cấu các TCTD, Bộ KH&ĐT đánh giá việc xử lý nợ xấu của các TCTD được thực hiện thực chất hơn, nhờ đó lãi suất cho vay trung bình giảm, góp phần đưa đồng vốn tín dụng chảy nhiều hơn vào các ngành sản xuất. Theo báo cáo, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Bên cạnh đó, từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, nhiều lĩnh vực khác cũng đã được thực hiện tái cơ cấu quyết liệt và bước đầu mang lại hiệu quả. Cụ thể, cơ cấu lại NSNN và nợ công đạt kết quả khả quan. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, thể chế chính sách tiếp tục được hoàn thiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, thu hút có chọn lọc FDI, thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh gây cản trở đã được rà soát và loại bỏ.
Cơ cấu lại các ngành có tiến bộ. Trong đó ngành nông nghiệp có khả năng hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại quan trọng, chất lượng tăng trưởng cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành tăng từ 64,7% năm 2013 lên gần 80% năm 2018. Đầu tư của DN vào nông nghiệp tăng mạnh; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch được thúc đẩy. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là lực lượng quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng, từng bước hình thành các DN công nghiệp nội địa có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Chất lượng ngành dịch vụ được nâng cao, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành dịch vụ từng bước được hiện đại hoá và hình thành các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao…
Không ít khó khăn, thách thức
Mặc dù đã đạt được những thành quả ban đầu, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, cơ cấu lại nền kinh tế vẫn đối mặt không ít khó khăn và thách thức. Nhìn tổng thể, cơ cấu lại chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, từ đó chưa thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, mô hình tăng trưởng mặc dù có sự thay đổi nhưng còn chậm so với yêu cầu và chưa bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cấp chuỗi giá trị theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo diễn ra còn chậm hơn so với kế hoạch.
Đối với tái cơ cấu DNNN, tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm. Nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Việc gắn cổ phần hóa với niêm yết vẫn chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, 12 dự án thua lỗ vẫn chưa được xử lý triệt để khiến nhiều tài sản không sử dụng bị hao mòn theo thời gian, làm phát sinh chi phí lãi vay, tiền bảo dưỡng, duy trì tài sản.
Đối với lĩnh vực đầu tư công, theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế, hạn chế nổi lên hàng đầu là tình hình giải ngân vốn hàng năm rất chậm, và tình trạng này vẫn đang kéo dài trong mấy năm trở lại đây mà chưa khắc phục được.
Về quá trình cơ cấu lại các TCTD, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra điểm nghẽn trước mắt là quá trình tăng vốn điều lệ của 4 NHTM Nhà nước đang bị trì hoãn, khiến việc đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ gặp nhiều khó khăn. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hệ số an toàn của các ngân hàng theo đúng chuẩn Basel 2, mà còn ảnh hưởng tới nhu cầu vốn đầu tư phát triển xã hội, nhất là bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư tại Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng.
Theo Bộ KH&ĐT, năm 2020 sẽ tiến hành tổng kết mục tiêu thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và đề ra giải pháp giai đoạn 2021-2025. Cơ quan này lưu ý, đẩy mạnh các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế chính là điều kiện cần để tận dụng các cơ hội, tạo tiền đề chuyển đổi rõ nét hơn mô hình tăng trưởng, đưa đất nước sang trang phát triển mới.
Bên cạnh các điểm nghẽn đã được chỉ ra đối với 3 lĩnh vực tái cơ cấu trọng tâm, theo các chuyên gia cần tiến hành đồng thời đối với các lĩnh vực khác như NSNN và nợ công, thu hút đầu tư, phát triển ngành, phát triển thị trường vốn.
Chẳng hạn, với cơ cấu lại NSNN và nợ công, cần tập trung cải thiện công tác thu thuế, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Đối với thu hút đầu tư, cần đàm phán trong tiêu chí lựa chọn ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn; đồng thời đẩy mạnh thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ NĐT, hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường… mới có thể hoàn thành mục tiêu 1 triệu DN vào 2020 và phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự lớn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận