CIENCO4 (C4G): Cổ đông có nguy cơ ăn “bánh vẽ”
Kể từ khi chào sàn UPCoM cuối năm 2018 đến nay, cổ phiếu C4G của Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 gần như liên tục giảm giá. Kế hoạch lợi nhuận, cổ tức, chuyển sang sàn niêm yết của C4G - những yếu tố neo đậu niềm tin cho các nhà đầu tư dần dần bị lung lay.
Giao dịch đáng chú ý của cổ đông lớn
Thông tin khiến cổ phiếu C4G được chú ý nhiều hơn sau 1 năm lên sàn là ngày 27/12/2019, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VND) mua hơn 3,2 triệu cổ phiếu.
Sau giao dịch, VND trở thành cổ đông lớn của C4G khi chính thức tăng sở hữu từ 4,95 triệu cổ phiếu lên 8,15 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,95% lên 8,15%.
Trong phiên giao dịch ngày 27/12/2019, cổ phiếu C4G xuất hiện giao dịch thỏa thuận 3,2 triệu đơn vị, đúng bằng khối lượng cổ phiếu VND đã mua vào, giá thực hiện là 5.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, khả năng cao là VND đã mua cổ phiếu C4G ở mức giá này, tương ứng chi gần 18 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ trên.
VND là đơn vị tư vấn và phân phối cổ phiếu C4G trước khi chính thức đăng ký giao dịch trên UPCoM vào ngày 10/12/2018. Được biết, giá phân phối bằng với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 14.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý hơn, dường như cổ đông lớn của C4G là Công ty cổ phần Xây dựng Dũng Hưng chính là bên bán cho VND. Bởi lẽ, ngay trước thời điểm VND hoàn tất giao dịch, Công ty Xây dựng Dũng Hưng mua thêm 3,2 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu từ 10,9% lên 14,1%.
Nhưng cùng ngày VND trở thành cổ đông lớn, Xây dựng Dũng Hưng bán ra 3,2 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu về mức cũ (10,9%).
Nếu đúng như vậy thì tại sao VND lại phải mua cổ phiếu thông qua công ty này?
Phải chăng, Xây dựng Dũng Hưng có “mối quan hệ” tốt với một nhóm cổ đông nào đó có sẵn cổ phiếu, đảm bảo được nhu cầu tăng sở hữu của VND và thông qua mua thoả thuận sẽ không làm diễn biến giá cổ phiếu C4G biến động tăng trong quá trình gom mua?
Được biết, Công ty Xây dựng Dũng Hưng có trụ sở hoạt động tại Nghệ An, cùng địa bàn hoạt động với nhiều công ty liên kết của C4G và cũng là “gốc gác” của không ít thành viên Hội đồng quản trị và lãnh đạo điều hành cấp cao C4G.
Thị giá cổ phiếu C4G giai đoạn này có thể xem là vùng thấp nhất từ khi giao dịch trên UPCoM, quanh mức 5.800 - 5.900 đồng/cổ phiếu.
Trước khi VND trở thành cổ đông lớn, cơ cấu cổ đông của C4G (tại thời điểm 30/6/2019) bao gồm: Công ty Xây dựng Dũng Hưng sở hữu hơn 109 triệu cổ phiếu, tương ứng 10,9%, giảm một nửa so với đầu năm 2019 là 214 triệu cổ phiếu (21,4%); Công ty cổ phần New Link sở hữu 207,5 triệu cổ phiếu (20,75%); Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải sở hữu 141,3 triệu cổ phiếu (14,13%); các cổ đông khác nắm giữ 54,22%.
Một vấn đề cần lưu ý thêm, vì là cổ phiếu chưa niêm yết nên C4G không được các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) - một “thiệt thòi” chung cho cổ phiếu trên UPCoM khi thiếu đi đòn bẩy từ dòng tiền margin.
Dù vậy, theo các nhân vật có “nghề” trên thị trường, không thiếu cách để có được dòng tiền từ công ty chứng khoán, chẳng hạn nghiệp vụ repo cổ phiếu - một nghiệp vụ bán cổ phiếu có kỳ hạn, trong đó khách hàng bán cổ phiếu cho công ty chứng khoán và cam kết mua lại với mức giá và vào thời điểm nhất định trong tương lai.
Trong hoạt động repo cổ phiếu, nhà đầu tư phải thực hiện chuyển nhượng số cổ phiếu là đối tượng của hợp đồng repo cho công ty chứng khoán.
Quay trở lại với sự kiện VND trở thành cổ đông lớn của C4G, thị trường vẫn chưa tìm được lý do thuyết phục tại thời điểm này.
Bởi lẽ, C4G dù có định giá thấp, P/E khoảng 4 lần (sử dụng giá đóng cửa ngày 13/1/2019 là 5.900 đồng/cổ phiếu), nhưng giá không lên nổi là bởi những lo ngại rủi ro về doanh nghiệp đã được phản ánh vào giá, đặc biệt là tình trạng nợ vay duy trì ở mức cao nhiều năm và những lời hứa chưa thành hiện thực của Hội đồng quản trị C4G đối với cổ đông.
Gánh nặng lãi vay và nguy cơ không hoàn thành kế hoạch kinh doanh
Liên tục từ năm 2014 trở lại đây, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của C4G thường xuyên gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tỷ lệ này có chuyển biến tích cực khi giảm còn 3 lần vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, nếu không giải quyết được vấn đề nợ lớn thì đây sẽ là gánh nặng tài chính ảnh hưởng đến dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, chi phí lãi vay hàng năm của C4G tương đương 45 - 50% lợi nhuận gộp, thậm chí năm 2018 là 54%.
Năm 2018, C4G đặt mục tiêu đạt 5.200 tỷ đồng doanh thu và hơn 195,27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, kỳ vọng tăng 46% so với năm trước đó và phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ tối thiểu 18%.
Nhưng kết quả, C4G không đạt kế hoạch khi doanh thu thực thế chỉ hơn 3.125 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 136 tỷ đồng.
Điểm đáng nói là ngay trước đó, C4G thông báo sẽ không hoàn thành kế hoạch doanh thu khi 9 tháng đầu năm chỉ đạt 2.338 tỷ đồng, tương ứng gần 45% kế hoạch năm do có một số dự án do bố trí nguồn vốn chậm nên dở dang, tồn đọng rất lớn.
Nhưng Công ty đưa ra thông tin sẽ hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận khi 9 tháng đạt 131,75 tỷ đồng, tương ứng 67,38% kế hoạch năm.
Trước thềm giao dịch chính thức trên UPCoM, lãnh đạo C4G cũng cho biết, Công ty thực hiện chia cổ tức từ 12 - 18%/vốn điều lệ, mức chi trả dự kiến cho năm 2018 tối thiểu là 18% và đảm bảo được mục tiêu này trong 3 năm tiếp theo.
Theo đó, năm 2019, C4G đặt mục tiêu doanh thu khoảng 5.800 tỷ đồng, tăng 12,3%; lợi nhuận sau thuế khoảng 255 tỷ đồng, tăng 55% so với kế hoạch năm 2018 và phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ tối thiểu 18%.
Ngoài ra, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, C4G dự kiến phát hành tối đa 35 triệu cổ phiếu trong nửa cuối năm 2019 nhằm trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2018 và năm 2019 là 15 triệu đơn vị và phát hành thêm 20 triệu đơn vị nhằm bổ sung nguồn vốn, đầu tư các dự án theo hình thức PPP, BOO…
Nhưng đến thời điểm hiện tại, cổ tức dự kiến năm 2018 là 17%, trong đó dự kiến chi cổ tức tiền mặt 12% (tương ứng chi 120 tỷ đồng) và chi cổ tức bằng cổ phiếu 5%.
Chưa thấy C4G chốt quyền thực hiện phần chi cổ tức tiền mặt và còn phần trả bằng cổ phiếu thì vẫn đợi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận.
Tính tới hết quý III/2019, C4G có 33,2 tỷ đồng tiền mặt và 180,9 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn, đủ thực hiện nghĩa vụ cổ tức 2018.
Còn với kế hoạch cổ tức năm 2019, C4G chưa có nghị quyết hay thông báo tạm ứng nào, nhiều khả năng cổ đông phải chờ đến Đại hội đồng cổ đông 2020 để có thêm thông tin.
Bởi kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, C4G mới đạt được 1.609 tỷ đồng doanh thu và 109 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 31,2% và 17,2% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả này tương đương gần 28% kế hoạch doanh thu năm và gần 43% kế hoạch lợi nhuận năm.
Không ngoại trừ khả năng C4G tiếp tục không hoàn thành kế hoạch kinh doanh được Đại hội đồng cổ đông thông qua, nếu không có khoản lợi nhuận đột biến trong quý IV/2019.
Kỳ vọng vào các dự án giao thông và bất động sản?
C4G hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm: xây dựng hạ tầng giao thông, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và kinh doanh cho thuê văn phòng thương mại và khu nghỉ dưỡng, bất động sản.
Ở lĩnh vực giao thông, C4G đã tham gia một số công trình trọng điểm như cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức Long Thành, đường sắt đô thị Bến Thành Suối Tiên.
Công ty đang khai thác không ít dự án BOT về hạ tầng giao thông như dự án tuyến tránh TP. Vinh, dự án Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh, dự án Quốc lộ 38 đoạn Yên Lệnh - Vực Vòng, dự án Nghi Sơn - Cầu Giát, dự án Thái Nguyên - Chợ Mới Quốc lộ 3 mới.
Ngoài ra, C4G sở hữu/quản lý/giao đất ở các vị trí được đánh giá là tốt như đang cho thuê Tòa nhà CIENCO 4 Tower (180 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM), dự án 116 Ðinh Tiên Hoàng, TP.HCM.
Công ty cũng được giao 52.977,8 m2 đất đợt 1 tại phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An để thực hiện dự án Khu đô thị Long Sơn 3 Vực Giồng và 122.052,4 m2 đất đợt 1 để thực hiện Khu đô thị Long Sơn 1.
Dù vậy, năng lực triển khai dự án và mức độ tuân thủ các thủ tục pháp lý khi triển khai dự án là vấn đề cần chú ý ở C4G, khi mà ở dự án CIENCO4 Tower từng vướng “lùm xùm” hạ tầng kỹ thuật chưa xây dựng hoàn thiện, hồ sơ thủ tục pháp lý chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận nhưng chủ đầu tư đã tiến hành rao bán, huy động vốn từ khách hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận