CIEM: GDP giảm hơn 0,4% nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt
Theo báo cáo của CIEM, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có thể kéo GDP giảm hơn 0,44%, tương đương 42.570 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ USD).
Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml (nước ngọt). Mức thuế dự kiến là 10%.
Theo báo cáo nghiên cứu về tác động kinh tế của chính sách thuế này được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra ngày 17/10, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% sẽ khiến quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp.
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho hay, giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,772%, tương đương 5.650 tỷ đồng. Cùng với đó, 24 ngành hàng khác cũng chịu ảnh hưởng, tác động tới nền kinh tế. CIEM dự báo giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm hơn 0,6%, tương đương 55.077 tỷ đồng.
"Điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương 42.570 tỷ đồng", bà Thảo nói. Theo bà lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành cũng sụt 8.773 tỷ đồng, kéo theo thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập lao động giảm lần lượt 2.152 tỷ và 34.534 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của CIEM, năm đầu tiên áp thuế (2026), nguồn thu từ thuế gián thu (tiêu thụ đặc biệt, VAT) tăng 0,853%. Ở giai đoạn tiếp theo, nguồn thu này giảm 0,495% mỗi năm, tương ứng khoảng 4.978 tỷ đồng.
Ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt, theo bà Thảo, hiện dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) đề xuất áp thuế 10% với nhóm mặt hàng đường và phụ phẩm trong sản xuất đường, thay vì 5% như hiện hành. Tương tự, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đề xuất bỏ các ưu đãi với nhóm mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. "Nếu các luật này được thông qua, doanh nghiệp nước giải khát sẽ cùng lúc chịu nhiều sức ép", bà nói.
Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có thể bị áp thuế theo đề xuất của nhà chức trách, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao. Sữa và sản phẩm từ sữa không chịu thuế do là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, nước khoáng thiên nhiên, đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không bị áp thuế.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt sẽ tác động lớn tới người tiêu dùng, doanh nghiệp. Theo bà, nước ngọt chỉ là một trong những nguyên nhân gây thừa cân béo phì, bên cạnh nhiều yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng, ít vận động, bệnh lý khác... Do đó, bà cho rằng cơ quan soạn thảo cần có đánh giá khoa học, bằng chứng thuyết phục hơn nữa để áp thuế.
Trước đó, đề xuất áp thuế với nước ngọt nhận được ủng hộ từ các tổ chức quốc tế. Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, giá bán lẻ tăng 5% khi nước ngọt chịu thuế suất 10%. Song, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý mức tăng này là "khiêm tốn", ít tác động giảm tiêu thụ của người tiêu dùng. Họ khuyến nghị Bộ Tài chính đưa ra lộ trình tăng thuế đến 2030 để giá các sản phẩm nước ngọt tăng 20% do thuế. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng để tăng giá 20%, thuế suất áp dụng cần ở mức 40% hoặc thuế tuyệt đối 7.000 đồng trên một lít.
Ngoài đề xuất hiện tại, các tổ chức quốc tế cho rằng cơ quan quản lý cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với tất cả đồ uống chứa đường hoặc chất tạo ngọt không đường để ngăn sự thay thế không mong muốn từ đồ uống bị đánh thuế sang loại không bị đánh thuế. Họ cũng khuyến nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, nước rau quả.
Để điều tiết hành vi tiêu dùng với nước ngọt, CIEM đề xuất cơ quan quản lý áp dụng đồng thời nhiều công cụ quản lý khác nhau, như tuyên truyền, nâng nhận thức cho người dân trong sử dụng sản phẩm. Với doanh nghiệp, tổ chức này khuyến nghị họ đầu tư, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe, cũng như cấu trúc lại quản trị, sản xuất để tiết giảm chi phí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận