Chuyện sản xuất MacBook, iPad tại Việt Nam có thể là sự thật, không do Foxconn làm
Thu hút đầu tư nước ngoài là cần thiết và quan trọng, nhưng đã đến lúc, cả Nhà nước và nhà đầu tư cần thống nhất, đây là “cuộc chơi” sòng phẳng và cùng có lợi.
Tín hiệu vui đầu năm
Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, nhưng một nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cho biết, chuyện sản xuất MacBook, iPad tại Việt Nam có thể là sự thật. Tuy nhiên, không phải Foxconn, mà là một tên tuổi lớn khác sẽ thực hiện dự án này. Đó là một “đại bàng” chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.
Mới chỉ là một kế hoạch, nhưng điều này đã một lần nữa khẳng định, “ông lớn” Apple thực sự đang “nhòm ngó” Việt Nam như một địa điểm để dịch chuyển sản xuất, dù chỉ là các linh phụ kiện hay các sản phẩm quan trọng. Đây rõ ràng là một tin vui vào đầu năm mới 2021, khi các thông tin về việc Việt Nam sẽ là một “hub” thu hút đầu tư toàn cầu liên tục được khẳng định trong năm vừa qua, khi đại dịch bùng phát và các nhà đầu tư nhận ra rằng, đã đến lúc không thể phụ thuộc mãi vào một thị trường.
“Thực sự là đang có nhiều ‘đại bàng’ quan tâm đến Việt Nam. Chỉ cần giải quyết tốt các vấn đề về thủ tục hành chính thì sẽ có nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư tại Việt Nam”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết.
Như Báo Đầu tư đã đưa tin, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Theo thông tin ban đầu, thì vốn đầu tư đăng ký của các dự án lên tới hàng chục tỷ USD.
“Đây là tín hiệu tốt thể hiện các nhà đầu tư trên thế giới đang rất quan tâm đến Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhận định như vậy.
Có lẽ, đó cũng là nguyên nhân để vào những ngày cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 3 khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai vào Quy hoạch Phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020. Đồng Nai vẫn là trọng điểm thu hút đầu tư ở khu vực phía Nam và việc Chính phủ cho phép các khu công nghiệp Long Đức 3 (253 ha), Bàu Cạn - Tân Hiệp (2.627 ha) và Xuân Quế - Sông Nhạn (3.595 ha) là sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt bằng để tỉnh này đón “sóng” đầu tư mới.
Để đón làn sóng đầu tư dịch chuyển đang được đẩy nhanh hơn sau Covid-19, không chỉ Đồng Nai mà nhiều địa phương khác trong cả nước đã liên tục đề xuất được xây thêm các khu công nghiệp mới.
Băn khoăn lợi ích
Liên tục các tên tuổi lớn đã đầu tư vào Việt Nam, từ Samsung, LG tới Foxconn, Pegatron… và xu hướng đầu tư vẫn đang tiếp tục. Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn luôn được đặt ra, đó là những lợi ích mà Việt Nam thu được là gì và điều quan trọng không phải chỉ là chúng ta thu hút được bao nhiêu vốn đầu tư, mà là hiệu quả và những tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam ra sao?
Hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, những đóng góp quan trọng của khu vực này về ngân sách, việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, nhìn vào các số liệu mà Bộ Tài chính công bố mới đây về tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì dư luận không khỏi băn khoăn. Bởi dường như, những đóng góp đó còn chưa được như kỳ vọng.
Không chỉ hướng đến nhóm nhà đầu tư cụ thể, mục tiêu giai đoạn tới của Việt Nam là tập trung thu hút có chọn lọc, có chất lượng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, các Dự án lớn, Dự án công nghệ cao…
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, quy mô sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp FDI năm 2019 tiếp tục tăng cao so với năm 2018. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI năm 2019 đạt hơn 7,181 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2018. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp chỉ đạt hơn 387.000 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 324.000 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm trước.
Với kết quả này, các doanh nghiệp FDI đóng góp trên 210.000 tỷ đồng các sắc thuế nội địa (không kể dầu thô), tăng 12,8% so với năm 2018. Mức đóng góp này (cao hơn tốc độ tăng về doanh thu và lợi nhuận) được Bộ Tài chính cho là “tích cực”. Kết quả sản xuất - kinh doanh của khu vực này được cho là duy trì được sự ổn định. Bộ Tài chính tiếp tục đánh giá cao đóng góp của khu vực FDI vào nộp ngân sách, xuất nhập khẩu và cho rằng, khu vực FDI ngày càng có vai trò quan trọng hơn vào phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Bộ Tài chính cũng cho biết, có tới 12.455 doanh nghiệp báo cáo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp có báo cáo. Và không chỉ là lỗ trong năm 2019, mà có tới 14.822 doanh nghiệp báo cáo lỗ lũy kế, chiếm 60% doanh nghiệp có báo cáo, với tổng số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính trên 520.000 tỷ đồng…
Và những chuyện cũ tiếp tục được nhắc tới, đó là có hiện tượng doanh nghiệp lỗ liên tiếp nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Có chuyện “chuyển giá” và cũng có chuyện những hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư còn thấp, nộp ngân sách vẫn chưa tương xứng với những ưu đãi được hưởng…
Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Bộ Tài chính đề xuất việc tăng cường thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá; cũng như tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi đầu tư…
“Cuộc chơi” sòng phẳng
Có một điểm thú vị trong bản báo cáo của Bộ Tài chính. Đó là khi tổng hợp hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trong năm 2019, Bộ Tài chính phát hiện ra, nhóm nhà đầu tư châu Âu, như Đan Mạch, Hà Lan, Pháp… có tổng hợp khả năng sinh lời cao nhất. Nhóm nhà đầu tư có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan… có tổng hợp khả năng sinh lời hợp lý.
Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, có khả năng sinh lời thấp. Còn các nhà đầu tư như Samoa, Canada, Darussalam Brunei, Thổ Nhĩ Kỳ… có số tổng hợp là lỗ trước thuế và sau thuế. Thậm chí, có doanh nghiệp lỗ đến mất vốn chủ sở hữu…
Thật trùng hợp, nhóm những nhà đầu tư có khả năng sinh lời tốt và hợp lý cũng chính là nhóm nhà đầu tư mà Việt Nam đang mong muốn tăng cường thu hút đầu tư, kể cả là trước đây hay sắp tới, khi Việt Nam thực hiện Chiến lược thu hút đầu tư mới, dựa trên các định hướng quan trọng của Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Không chỉ hướng đến nhóm nhà đầu tư cụ thể, mục tiêu giai đoạn tới của Việt Nam là tập trung thu hút có chọn lọc, có chất lượng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, các dự án lớn, dự án công nghệ cao… Nhưng không chỉ đơn thuần là tập trung vào số lượng, sẽ có những “barie” được dựng lên để “cản” các nhà đầu tư xấu. Chẳng hạn, có cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án FDI. Quan tâm nhiều hơn tới các yếu tố về môi trường, kiên quyết nói không với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu…
Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư sẽ được đổi mới, dựa theo kết quả đầu ra, như mức độ tham gia chuỗi giá trị, giá trị gia tăng nội địa, hợp phần sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, trách nhiệm xã hội..., chứ không ưu đãi tràn lan như trước.
Cũng sẽ có chính sách khuyến khích bổ sung đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết. Việc ưu đãi đầu tư cũng sẽ gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn các ưu đãi khi vi phạm các cam kết…
Nghĩa là cơ chế “hậu kiểm” sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn. Và điều này có thể cũng sẽ giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng nhà đầu tư “lỗ giả, lãi thật”, lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư, như trong báo cáo của Bộ Tài chính.
“Có một số ý kiến lo ngại các biện pháp sàng lọc đầu tư có thể gây cản trở, khiến nhà đầu tư nản lòng. Tuy nhiên, đã đến lúc, cả Nhà nước và nhà đầu tư cần thống nhất, đây là cuộc chơi sòng phẳng và cùng có lợi”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói và cho rằng, cùng với việc được bảo hộ, các nhà đầu tư cũng phải tự đề cao trách nhiệm của chính mình.
Theo ông Hoàng, các “hàng rào” được dựng lên cũng chỉ để hạn chế những nhà đầu tư kém chất lượng. Khi ấy, môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ minh bạch và lành mạnh hơn, dành nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư nghiêm túc, bài bản. “Đây cũng chính là điều mà các nhà đầu tư chân chính chờ đợi”, ông Hoàng nói.
Điều này thật sự có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang chờ đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển hiện nay. Đón nhiều vốn là tốt, nhưng quan trọng là dòng vốn đó phải “sạch”, có chất lượng và hiệu quả, có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Và tất nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng sẽ tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến “làm tổ”. Việc bổ sung kịp thời 3 khu công nghiệp ở Đồng Nai vào quy hoạch cũng có thể coi là một ví dụ điển hình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận