Chuyện “nhặt hàng” của chứng sĩ
Nhớ về năm 2022, thị trường đậm vị chua chát với quá nhiều sự vụ tiêu cực, từ thao túng chứng khoán, sai phạm khiến thị trường trái phiếu đóng băng, cho đến các biến động kinh tế địa chính trị. Kết phiên cuối cùng của năm cũ, VN-Index dừng lại ở 1,070 điểm, giảm tới 70% so với đỉnh 1,522 điểm ghi nhận vào tháng 04/2022. Khi ấy, các chuyên gia dự báo năm 2023 sẽ khởi sắc, nhưng với thái độ dè dặt và thường chỉ đưa ra những nhận định chung, đại loại là “sẽ còn nhiều khó khăn”.
Dẫu vậy, thị trường của năm 2023 đang dần phục hồi. Sau những tháng khởi động trồi sụt, thị trường bắt đầu bước vào sóng tăng mạnh kể từ cuối tháng 4. So với chỉ số kết phiên năm trước, hiện tại (kết phiên 30/06) VN-Index đã tăng khoảng 11%, và HNX-Index tăng 10%.
Thanh khoản cũng đã có sự biến chuyển. Tính từ đầu năm, giá trị thanh khoản trung bình trên HOSE rơi vào khoảng 11.8 ngàn tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên từ cuối tháng 5 tới nay, thị trường trở nên sôi động hơn, trung bình giá trị thanh khoản của HOSE lên tới gần 17 ngàn tỷ đồng/phiên. Tương tự, HNX ghi nhận trung bình 1.32 ngàn tỷ đồng/phiên kể từ đầu năm và gần 1.38 ngàn tỷ đồng/phiên kể từ cuối tháng 5.
Nguồn: VietstockFinance
Nguồn: VietstockFinance
Trên HOSE, 10 mã có khối lượng giao dịch cao nhất như VND, NVL, HPG, SHB… đóng góp trung bình khoảng 31% tổng thanh khoản (tương đương hơn 3.7 ngàn tỷ đồng/ngày). Còn trên HNX, top mã giao dịch nhộn nhịp nhất đóng góp tới 67% thanh khoản trung bình ngày (khoảng 924 tỷ đồng), với những cái tên nổi bật như SHS, CEO, PVS hay MBS…
Lãi đậm nhờ nhặt hàng giá rẻ
“Muốn ăn cơm trắng mấy giò, lại đây mà đẩy xe bò với anh” - trích Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, tác phẩm đã được đưa vào đề Văn tại kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023. Và trong lúc các sĩ tử mải mê với Vợ nhặt, chứng sĩ cũng đang hối hả “nhặt hàng” trên thị trường chứng khoán.
Với Vợ nhặt, các sĩ tử người vui kẻ buồn. Chuyện “nhặt hàng” của chứng sĩ không khác, cũng người buồn kẻ vui. So với “Chiếc thuyền ngoài xa” mang theo bao nỗi buồn của năm ngoái, thị trường dành cho các chứng sĩ đang dần sôi động hơn. Nếu Tràng ưng ý với cô vợ “nhặt được” thì trong câu chuyện đầu tư của chứng sĩ, “nhặt” đúng cổ phiếu cũng như nhặt được vàng.
Trên HOSE, cổ phiếu Siêu Thanh (ST8) là đại diện nổi bật nhất cho những “cục vàng” mà chứng sĩ có thể đã nhặt được. Chuỗi tăng giá của ST8 đã bắt đầu từ cuối năm 2022, vọt lên mức đỉnh lịch sử 29,800 đồng/cp tại phiên ngày 23/06/2023, gấp 3.8 lần so với thời điểm đầu năm. Dù có sụt giảm đôi chút nhưng kết phiên 30/06, mã này có giá 25,700 đồng/cp, tăng 236% so với giá mở cửa đầu năm 2023, cũng là mức tăng mạnh nhất trên thị trường. Thanh khoản bình quân cũng đạt hơn 196 ngàn cp/phiên.
Dẫu vậy, “nhặt cục vàng” ST8 là không dễ khi đơn vị này có cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Thời điểm cuối năm 2022, nhóm cổ đông sáng lập nắm giữ tới 88.74% cổ phần, tương đương 22.8 triệu cp. Dù các cổ đông này sau đó đã thoái vốn, nhưng tất cả đều là giao dịch thỏa thuận. Nghĩa là số cổ phần này hiện đang nằm trong tay một vài cá nhân khác và cơ cấu cổ đông nhiều khả năng vẫn chưa bị pha loãng.
Nhưng cũng nhờ đợt tăng giá này mà khi thoái vốn, ông Yung Cam Meng - cựu Chủ tịch HĐQT đã thu về hơn 146.7 tỷ đồng vào tháng 6. Tháng 01/2023, vợ và em trai ông Yung - bà Phạm Thị Mai Duyên và ông David Cam Hao Ong - cũng đã thoái hết 16.7 triệu cp theo diện thỏa thuận, giá trị giao dịch hơn 207 tỷ đồng. Tổng cộng, vợ chồng ông Yung cùng em trai thu về hơn 353 tỷ đồng.
So với ST8, cổ phiếu PSH của Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu có vẻ dễ “nhặt” hơn. Ngay thời điểm đầu năm, nhà đầu tư nào may mắn mua PSH thì đến cuối tháng 6 đã đạt được mức sinh lợi 157%. Thanh khoản trung bình lên tới 1.28 triệu cp/phiên
Thậm chí, nếu nhìn xa hơn về nửa cuối tháng 12/2022, khi giá cổ phiếu PSH chạm đáy ở mức 3,900 đồng/cp, mức tăng của PSH hiện tại đã lên tới 220%.
Chuỗi tăng của “đại gia xăng dầu miền Tây” được đẩy mạnh nhất kể từ phiên ngày 19/04 - thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu công bố BCTC quý 1/2023. Theo BCTC quý 1/2023, PSH báo doanh thu hơn 3.8 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 63%; lãi ròng 199 tỷ đồng, gấp 14 lần cùng kỳ, cũng là mức lãi kỷ lục quý của Doanh nghiệp.
Đồng thời, PSH còn được hưởng lợi nhờ một số thông tin tốt từ chính sách, cũng như dự án Tổng kho xăng dầu Soài Rạp - Hiệp Phước giai đoạn 1 đi vào hoạt động.
Coteccons (CTD) và Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng sở hữu mức tăng nổi bật, với thị giá phiên 30/06 đã gấp hơn 2 lần so với thời điểm đầu năm, lần lượt đạt 68,900 đồng/cp và 8,230 đồng/cp. Tuy vậy, hành trình tăng giá của 2 mã có sự khác biệt. Trong khi CTD miệt mài leo dốc từ cuối tháng 2, QCG lại chỉ mới bước vào sóng tăng cực mạnh kể từ nửa cuối tháng 5 với nhiều phiên bật trần liên tiếp, sau những tháng đầu năm đi ngang.
Nhìn sang HNX, VC7, DTD, TC6, TVD và PVB là những mã đã tăng giá mạnh nhất, thị giá đã gấp hơn 2 lần, thậm chí tới gần 3 lần so với đầu năm.
"Của rẻ là của ôi"?
Câu nói của người xưa quả không sai. Khi định giá thị trường rẻ hơn, sức hấp dẫn ở nhiều cổ phiếu tỏ ra thật khó cưỡng. May mắn, chứng sĩ có thể “nhặt được vàng”, còn không lại mua đúng của ôi.
Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, TTB, AGM và KPF là những mã khiến các nhà đầu tư thiệt hại nặng nề nhất trên HOSE kể từ đầu năm nay. Điểm chung của các mã cổ phiếu này là đều có nhiều vấn đề từ tình hình kinh doanh cho tới các vấn đề liên quan đến pháp luật.
Mã TTB (Tập đoàn Tiến Bộ) bắt đầu lao dốc mạnh từ nửa cuối tháng 02/2023, trùng thời điểm 4 cán bộ Tập đoàn, gồm cả Chủ tịch và Tổng Giám đốc, bị khởi tố hình sự vì hành vi “Cố ý công bố thông tinh sai lệch trong hoạt động chứng khoán”. Trước đó, TTB cũng nhiều lần bị xử phạt vì vi phạm công bố thông tin, thậm chí có lùm xùm liên quan đến tham ô của nhân viên. Gần đây nhất, mã này bị HOSE đưa vào diện đình chỉ giao dịch, do tiếp tục chậm nộp BCTC năm 2022.
Tính đến kết phiên 30/06, giá TTB đã giảm hơn 41%, còn 2,390 đồng/cp. Thanh khoản trung bình khoảng 637 ngàn cp/phiên.
AGM (Angimex) vẫn tiếp tục chuỗi giảm giá mạnh vốn đã xảy ra từ giữa năm trước. So với đầu năm, giá mã cổ phiếu “họ Louis” đã giảm hơn 36%, còn 6,120 đồng/cp. Thanh khoản trung bình khoảng 212 ngàn cp/phiên.
Việc có liên quan đến vụ bê bối thao túng chứng khoán của ông Đỗ Thành Nhân đã khiến AGM chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2022, AGM lỗ hơn 140 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 45 tỷ đồng). Dù đặt mục tiêu thoát lỗ, tình cảnh kinh doanh của AGM vẫn chưa sáng hơn khi quý 1/2023 tiếp tục lỗ ròng hơn 16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền của Doanh nghiệp cũng gặp rắc rối với nhiều khoản nợ, và đang chậm trả lãi cho lô trái phiếu 300 tỷ đồng.
Còn mã KPF lao dốc sau khi lập đỉnh vào cuối tháng 12/2022, tới nay đã giảm hơn 30% so với đầu năm, còn 8,430 đồng/cp. Giữa sóng giảm, cơ cấu cổ đông có sự biến động mạnh với việc đón thêm 4 cổ đông lớn, trong khi cựu Chủ tịch HĐQT thoái hết vốn.
Nhìn sang HNX, Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG) là mã gây nản lòng chứng sĩ nhất với chuỗi giảm sàn tới 19 phiên, bắt đầu từ phiên 10/04. Dù sau đó có tăng trở lại, tính tới thời điểm ngày 30/06, giá DDG giảm tới gần 80% so với đầu năm, còn 8,100 đồng/cp. Thanh khoản trung bình lên tới hơn 1.2 triệu cp/ngày.
Trong bối cảnh giá giảm mạnh, lãnh đạo của DDG liên tục đăng ký bán cổ phiếu, nhưng thậm chí chưa kịp thoái vốn đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp.
Đi kèm đà lao dốc trên sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng không mấy khả quan. Kết thúc quý 1/2023, DDG ghi nhận doanh thu thuần 159 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ; lãi sau thuế vỏn vẹn 198 triệu đồng, giảm 99% so với quý 1/2022.
2 cái tên gây chú ý khác là API và APS - 2 mã cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán APEC. Trên thực tế, 2 mã này đều có đà tăng giá khá mạnh từ đầu năm. Nhưng sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “thao túng chứng khoán” cùng việc các lãnh đạo - bao gồm Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Lăng - bị bắt tạm giam, giá 2 mã này đều lao dốc thảm hại trong nửa cuối tháng 6, và hiện chưa có tín hiệu sẽ dừng lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận