24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Hà My
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuyên gia VinaCapital: Nỗi lo của nhà đầu tư được giải tỏa khi Mỹ không áp thuế quan với hàng xuất khẩu Việt Nam

Theo chuyên gia VinaCapital, ngoài việc không có thuế quan sẽ khuyến khích dòng vốn FDI, thỏa thuận 2 bên cũng sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho Việt Nam trong dài hạn.

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Tập đoàn VinaCapital đề cập trong báo cáo phân tích mới đây xoay quanh việc Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) không có hành động thuế quan nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Chuyên gia này cho biết, mối đe dọa về thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cuối cùng đã kết thúc sau cuộc họp tuần trước giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ (UST) Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng. Rủi ro thuế quan đã đeo bám thị trường chứng khoán và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều tháng, vì vậy tuyên bố chung của UST và NHNN đã giải tỏa nỗi lo của các nhà đầu tư và sẽ giúp cho đồng Việt Nam tăng giá bền vững.

Ông Michael Kokalari cho rằng, Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam đã công bố thỏa thuận chung mang tính ngoại giao được diễn đạt cẩn thận trên trang web của UST rằng 1) Mỹ sẽ không áp đặt các mức thuế cứng nhắc đối với Việt Nam, và 2) NHNN sẽ cho phép giá trị của đồng Việt Nam tăng phù hợp với nền tảng kinh tế vững mạnh của Việt Nam.

Tuyên bố chung Việt - Mỹ rõ ràng ngụ ý rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang chịu áp lực đáng kể để cho phép đồng Việt Nam tăng giá, điều này được củng cố bởi tuyên bố của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai rằng “USTR, phối hợp với Bộ Tài chính, sẽ giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết… liên quan đến việc định giá đồng tiền của mình ”.

“Theo quan điểm của chúng tôi, việc giá trị của đồng Việt Nam tăng đều 2-3%/ năm hiện là điều gần như chắc chắn, vì lượng vốn khổng lồ tiếp tục chảy vào trong nước và do ngân hàng Trung ương Việt Nam sẽ không còn tiếp tục “các biện pháp can thiệp không trung hoà” làm giảm giá trị của đồng Việt Nam trong những năm gần đây”, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho biết trong báo cáo.

Theo ước tính từ chuyên gia này, vốn nước ngoài tương đương 10%/GDP đã chảy vào Việt Nam trong năm ngoái, bao gồm cả dòng vốn FDI là 7%/GDP. Dòng vốn đổ vào Việt Nam, cùng với thặng dư tài khoản vãng lai 4,5%/GDP, đã đưa thặng dư Cán cân thanh toán (BoP) của Việt Nam lên 7%/GDP trong năm 2020 và chuyên gia này kỳ vọng thặng dư BoP là 5% trong năm 2021. Điều này giải thích tại sao giá trị của đồng Việt Nam vẫn rất vững chắc trong năm nay, và thậm chí còn tăng giá nhẹ trong những tuần gần đây, bất chấp tình hình COVID-19 của Việt Nam đang xấu đi.

Ông Michael Kokalari đề cập, Chính phủ Mỹ đã chấm dứt đe dọa áp đặt thuế quan đối với Việt Nam bất chấp thặng dư thương mại của Việt Nam tăng cao, hoặc thực tế là Việt Nam tiếp tục vượt quá tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để bị coi là nước thao túng tiền tệ. Diễn biến này thể hiện mong muốn mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong việc duy trì quan hệ hữu nghị với Việt Nam vì lý do địa chính trị và cho thấy Mỹ sẵn sàng bỏ qua để thúc đẩy quan hệ bền chặt giữa cả hai nước.

Theo chuyên gia VinaCapital, ngoài việc không có thuế quan sẽ khuyến khích dòng vốn FDI, thỏa thuận này cũng sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho Việt Nam trong dài hạn bằng cách kích thích dòng vốn từ các nhà đầu tư tài chính nước ngoài (tức là dòng vốn FII) vì các nhà đầu tư đó ưu tiên các quốc gia ổn định, hoặc có nội tệ tăng giá; khuyến khích các công ty trong nước cải thiện khả năng cạnh tranh và nâng cao mức sống của người tiêu dùng trong nước bằng cách thúc đẩy sự phát triển hơn nữa nền kinh tế nội địa của Việt Nam.

“Quyết định của Chính phủ Mỹ chấm dứt mối đe dọa về thuế quan đối với Việt Nam giúp loại bỏ một rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ cam kết của Việt Nam cho phép đồng tiền của quốc gia tăng giá. Quyết định của Mỹ được thúc đẩy bởi nhu cầu cần có thêm các nước đồng minh trong khu vực khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang và chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn nữa từ kết quả của động thái này”, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định.

Vào cuối năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ đã gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam, cáo buộc Việt Nam làm giảm giá trị của đồng Việt Nam xuống ~10% dưới giá trị hợp lý một cách có chủ đích, và Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra theo “Điều khoản 301” về thông lệ thương mại của Việt Nam. Những hành động này đã làm dấy lên sự lo ngại ở Việt Nam vì Chính phủ Mỹ đã sử dụng Điều khoản 301 như một lý do để áp đặt thuế quan lên tới 25% đối với gần một nửa hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 26% trong năm 2020, và sau đó tăng thêm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ lên tới 38 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Những con số này trong bối cảnh: 1) Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tương đương 20% GDP so với thặng dư thương mại 2% /GDP của Trung Quốc với Mỹ, và 2) một trong những tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để bị xem là “thao túng tiền tệ” khi có thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD với Mỹ trong suốt một năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả