Chuyên gia thận trọng khi đặt vấn đề “bong bóng tài sản tài chính”
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra, nhưng lần này nằm trong bối cảnh bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế vượt qua Covid-19.
Như BizLIVE đề cập vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 8 tuần qua, Chính phủ nhìn lại bối cảnh nền kinh tế hiện nay, trong đó có điểm nội dung cảnh báo về vấn đề tiềm ẩn “bong bóng tài sản tài chính”.
Dồn dập những con sóng gối đầu
Cụ thể, thông tin về cuộc họp trên cho biết, có cảnh báo về bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền bơm ra lớn nhưng khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính, nên cần lưu tâm đến vấn đề này.
Đây không phải lần đầu tiên cảnh báo này được đề cập tới.
Trước đó, hồi tháng 10/2018, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương từng đề cập đến quan ngại khả năng “bong bóng tài chính” đang âm thầm diễn ra, đặt tình trạng tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, đặc biệt là những vấn đề tài chính đang tích lũy trong nội tại nền kinh tế Trung Quốc…
Một điểm được dẫn chiếu tại thời điểm đó là giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao, hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2010 đặt tình hình tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, từ 2018 đến 2019, thế giới trải qua một con sóng khác: xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc liên tiếp leo thang; căng thẳng kéo dài cho đến nay và ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế toàn cầu.
Khi xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa tìm được điểm cuối thì đại dịch Covid-19 xẩy ra. Và từ đầu năm 2020 đến nay, làn sóng bơm tiền của nhiều chính phủ và các ngân hàng trung ương, cùng xu hướng cắt giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ… thể hiện mạnh mẽ, nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động tiêu cực của đại dịch.
Kinh tế toàn cầu liên tiếp chịu tác động của dồn dập những con sóng lớn. Đặc biệt trước tác động của Covid-19, nhiều hoạt động sản xuất, giao thương bị đứt gãy hoặc giãn đoạn, sức cầu bị ảnh hưởng dẫn tới sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hạn chế. Điểm này cũng từng được các cơ quan chuyên trách tại Việt Nam đề cập đến.
Trong bối cảnh đó, như cảnh báo mà phiên họp nói trên của Chính phủ đưa ra cần lưu tâm, “bong bóng tài sản tài chính” một lần nữa được đề cập đến, như một rủi ro bởi nếu có “bong bóng” thì tiềm ẩn nguy cơ “vỡ” và những hệ lụy sau đó.
“Quan trọng nhất lúc này là hỗ trợ nền kinh tế”
Theo trang tập hợp thuật ngữ kinh tế, tài chính saga.vn, hiện tượng bong bóng kinh tế (đôi khi còn gọi là “bong bóng đầu cơ”, “bong bóng thị trường”, “bong bóng tài chính” hay "speculative mania") là hiện tượng chỉ tình trạng thị trường trong đó giá hàng hóa hoặc tài sản giao dịch tăng đột biến đến một mức giá vô lý hoặc mức giá không bền vững.
Mức giá cao thái quá này của thị trường không hề phản ánh mức độ thỏa dụng hay sức mua của người tiêu dùng theo như các lý thuyết kinh tế thông thường.
Bong bóng kinh tế xuất hiện khi có hiện tượng đầu cơ đối với các tài sản cơ sở, làm cho giá bị đẩy lên cao, do vậy càng khuyến khích hoạt động đầu cơ hơn nữa. Theo sau bong bóng kinh tế bao giờ cũng là một cú giảm giá đột ngột, được gọi là sự sụp đổ của thị trường hay “bong bóng vỡ”…
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, BizLIVE đã trao đổi với một chuyên gia tài chính, nhưng ông từ chối nêu quan điểm. Bởi lẽ, theo chuyên gia này, hiện kinh tế thế giới và đặc biệt là diễn biến trên các thị trường có quá nhiều điểm khó hoặc không thể nắm bắt, lường tính được để có thể đi đến kết luận có rủi ro “bong bóng tài sản tài chính” hay không.
“Chúng ta không thể nắm hết được ý đồ, tính toán và tương lai của chính sách tiền tệ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)… đang và sẽ làm. Và càng không thể khuyến nghị họ được. Hay các chính phủ, các ngân hàng trung ương bơm tiền cụ thể thế nào, những điểm đến hấp thụ thế nào. Vì vậy tôi không đủ khả năng để nói về cảnh báo “bong bóng tài sản tài chính” hiện nay”, vị chuyên gia trên giải thích.
Cũng theo ông, nếu đưa ra cảnh báo hoặc kết luận liên quan đến vấn đề này thì cần thận trọng. “Nguyên do, chúng ta cần có cơ sở cụ thể để nắm được là nguồn tiền bơm tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, hay ở các quốc gia khác hấp thụ như thế nào, đo lường như thế nào để xem là yếu hay hạn chế hoặc thực tế không phải vậy”.
Từ chối đưa ra quan điểm và đánh giá, song chuyên gia này khuyến nghị rằng, nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đang trong cuộc thử thách lớn, gặp khó khăn lớn từ đại dịch Covid-19. Theo đó, quan trọng nhất hiện nay là hỗ trợ nền kinh tế, các quốc gia đều bơm tiền, nới lỏng tiền tệ và cùng một mục đích để vượt qua khó khăn, ngăn đà suy giảm...
“Vậy nên tôi cho rằng, trước hết hãy tập trung hỗ trợ nền kinh tế. Các nước họ cũng đang tập trung cứu nền kinh tế. Vượt qua khó khăn hiện nay đã, rồi hãy xem vấn đề cảnh báo “bong bóng tài sản tài chính” như thế nào", vị chuyên gia trên nói, vì hiện nay các nguồn tiền hỗ trợ mới dần dần được đẩy ra, thậm chí còn chưa đẩy mạnh được ra, hoặc có những gói vẫn còn phải đong đếm và tính toán chưa xong.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận