menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Ngọc Mai

Chuyên gia: Miền Bắc vẫn có nguy cơ thiếu điện trong hai năm tới

Miền Bắc có nguy cơ tiếp tục thiếu điện khi hai năm tới chưa có nguồn điện mới nào được bổ sung, vận hành tại khu vực này.

Nhận định này được ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nêu tại hội thảo "Cơ chế, giải pháp phát triển năng lượng bền vững", ngày 28/7.

Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh phê duyệt 37 dự án nhiệt điện, tổng công suất trên 35.100 MW, vận hành đến 2020. Tuy nhiên mới có gần 49% dự án trong số này vận hành đúng tiến độ, số còn lại (hơn 14.700 MW) dừng triển khai hoặc không khả thi.

Tại miền Bắc, ông Tuấn cho biết, có 6 dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ hoặc không đầu tư tiếp như An Khánh, Na Dương 2, Cẩm Phả... với tổng công suất hơn 4.200 MW. "Đây là một trong những nguyên nhân khiến miền Bắc thiếu điện trong mùa nắng nóng, bởi cốt lõi chúng ta thiếu nguồn điện trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng mỗi năm", ông Tuấn nói.

Sức ép về vốn, nhiên liệu hay các vướng mắc về pháp lý, thủ tục phức tạp là những lý do khiến nhiều dự án nguồn điện tại Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh không kịp vận hành.

Chuyên gia đến từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tính toán, nguồn điện than có thể vận hành từ nay đến 2030 khoảng 3.100 MW, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện tại phía Bắc là gần 11.000 MW, tức nguồn chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu.

"Nguồn điện cho miền Bắc trong hai năm tới vẫn rất căng thẳng, nguy cơ thiếu điện hiện hữu khi các dự án có trong quy hoạch bị chậm tiến độ, khó có khả năng vận hành vào 2024-2025", ông thông tin.

Chuyên gia: Miền Bắc vẫn có nguy cơ thiếu điện trong hai năm tới
Công nhân Điện lực Hà Nội kiểm tra công tơ điện trong mùa nắng nóng. Ảnh: Hoàng Hiệp

Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ cuối tháng 6, EVN cho biết, nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc tăng bình quân 10% một năm, tương đương 2.400-2.900 MW.

Nhưng các nguồn điện mới dự kiến đưa vào vận hành trong 2024 và 2025 lần lượt 780 MW và 1.620 MW, tức chỉ bằng 30-50% nhu cầu dùng điện tăng thêm tại phía Bắc. Do đó, EVN cho rằng, cung ứng điện cho miền Bắc tới 2025 vẫn gặp khó khăn, nhất là giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp.

Từ cuối tháng 5, Hà Nội và nhiều địa phương tại miền Bắc trải qua những ngày thiếu điện do nhu cầu sử dụng tăng vọt mùa nắng nóng. Thủy điện, một trong hai nguồn cung chính cho miền Bắc, sụt giảm huy động vì hạn hán.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, miền Bắc cơ bản đủ điện từ 23/6. Tuy nhiên, hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng, nên EVN cho biết, vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan, như sự cố các nguồn điện lớn khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500kV Bắc - Trung... dẫn tới phải cắt điện ngắn hạn trong thời gian khắc phục sự cố.

Tại Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, 3 dự án điện khí LNG nhập khẩu tại miền Bắc, tổng công suất 4.500 MW sẽ được phát triển để đảm bảo cân đối nguồn theo vùng, miền. Trong tổng 22.400 MW điện LNG (gồm 17.900 MW của 11 dự án đã phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh), mới có 2 dự án đang làm là Hiệp Phước 1 (1.200 MW) và Nhơn Trạch 3 và 4 (1.500 MW).

Đến năm 2035 quy mô điện LNG cũng chỉ tăng đến 25.400 MW, nhưng đã bắt đầu đốt kèm hydro khoảng 10%. Sau năm 2035 sẽ không tăng thêm nguồn này và các nhà máy sẽ dần chuyển sang đốt kèm, tiến tới đốt hoàn toàn hydro, amoniac.

Điện khí LNG được các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng là nguồn chạy nền, thay thế dần điện than khi loại năng lượng này sẽ không phát triển sau 2030.

Tuy vậy, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhìn nhận, có không ít thách thức phát triển điện khí LNG nhập khẩu, về nguồn cung, hạ tầng kho cảng, cơ chế xây dựng nhà máy...

Ông Nguyễn Anh Tuấn đồng tình, việc đặt ra xây dựng các nhà máy dùng khí LNG cần được xem xét kỹ càng về tính khả thi, cũng như tác động của giá khí đến giá điện trong ngắn và trung hạn.

Từ bài học triển khai Quy hoạch điện VII, các chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương cần sớm ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bởi đây là cơ sở để các chủ đầu tư triển khai dự án.

Vốn đầu tư cho các công trình điện là rất lớn, vì vậy, cần thiết huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước bằng cách xem xét bảo lãnh Chính phủ với một số dự án ưu tiên, quan trọng. Cùng đó, nhà chức trách cần điều chỉnh các cơ chế nhằm tránh rủi ro cho các nhà đầu tư BOT đã và đang đàm phán hợp đồng.

Với các dự án LNG có thể không còn áp dụng loại hình BOT, cần thiết có cơ chế mua điện phù hợp nhằm tránh rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả