Chuyên gia: Gói cứu trợ nhà ở 42 tỷ USD của Trung Quốc không đủ để giải cứu thị trường
Mới đây, Trung Quốc vừa tung ra sáng kiến mua lại các căn nhà “bị ế” của các doanh nghiệp bất động sản nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đã kéo dài gần 3 năm qua. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng gói cứu trợ này vẫn còn quá nhỏ và chưa đủ để chấm dứt khủng hoảng.
Những tháng gần đây, doanh số bán nhà mới ở Trung Quốc tiếp tục giảm nhanh hơn, trong đó các hộ gia đình chuộng mua nhà trên thị trường thứ cấp hơn. Điều này khiến lượng hàng tồn kho nhà ở và đất trống tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, làm ngừng trệ hoạt động xây dựng mới và đe dọa tới tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản, bao gồm cả các doanh nghiệp quốc doanh.
Trong ngày 17/05, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đưa ra gói cưu trợ 300 tỷ Nhân dân tệ (42 tỷ USD), trong đó tài trợ các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp quốc doanh để họ mua lại các căn nhà đã hoàn tất nhưng “bị ế”. Các chuyên gia kinh tế lo ngại quy mô của gói cứu trợ quá nhỏ so với lượng tồn kho nhà ở và cũng có rủi ro về thực thi.
Các quan chức cho biết chương trình cứu trợ của PBoC có thể khuyến khích các khoản vay ngân hàng trị giá 500 tỷ Nhân dân tệ. Điều đó sẽ chỉ giải quyết được một phần căn hộ bỏ trống ở Trung Quốc. Hiện các nhà kinh tế ước tính lượng tồn kho nhà ở đang lên tới hàng ngàn tỷ Nhân dân tệ.
“Nếu muốn có gói cứu trợ nhà ở mang tính thay đổi cuộc chơi, thì cần một lượng vốn lớn hơn rất nhiều so với mức hiện có”, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs cho biết trong báo cáo. Theo đó, họ cho rằng để kéo lượng tồn kho nhà ở về mức của năm 2018 sẽ cần tới 7.7 ngàn tỷ Nhân dân tệ.
“Chỉ số theo dõi cổ phiếu bất động sản Trung Quốc của Bloomberg giảm tới 3.2% trong ngày 20/05 sau khi ghi nhận tuần tốt nhất kể từ cuối năm 2022. Điều này là do nhà đầu tư chốt lời và cẩn trọng về việc liệu quy mô cứu trợ này có đủ để chấm dứt khủng hoảng bất động sản hay không”, các chuyên gia tại Bloomberg Economics chia sẻ.
“Giả định là chính quyền địa phương mua lại bất động sản với mức giá chiết khấu 30% so với giá thị trường, gói cứu trợ này chỉ có thể mua 2% nhà ở mới đang bán hoặc đang xây dựng. Việc can thiệp ở quy mô này là không đủ để kéo giảm nguồn cung thị trường, nhưng có thể nâng đỡ niềm tin và ổn định thị trường. Việc triển khai gói cứu trợ sẽ không dễ dàng. Nguồn lực tài chính bị hạn chế và các mục tiêu không hài hòa giữa chính quyền trung ương và địa phương cũng có thể cản trở”, các chuyên gia kinh tế Chang Shu, David Qu and Eric Zhu cho biêt trong một báo cáo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận