Chuyên gia Đức: Kinh tế Việt Nam đủ mạnh để tự mình thoát khỏi khủng hoảng
GS.TS Andreas Stoffers mong đợi sự phục hồi kinh tế Việt Nam, bất chấp môi trường kinh tế toàn cầu đang khó khăn.
Những tín hiệu khả quan
Ông đánh giá thế nào về tác động của làn sóng Covid-19 đến kinh tế và Việt Nam?
Không thể phủ nhận, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid 19 vào cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân Việt Nam.
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo đạt được hai mục tiêu: chống dịch đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân, đặc biệt là hỗ trợ cho người dân các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, những tín hiệu khả quan trong năm tháng đầu năm 2021, ví dụ trong ngành sản xuất công nghiệp. Hiện tại, Chính phủ cần sáng suốt quyết định các biện pháp chống dịch sắp tới để đảm bảo cả sự an toàn của người dân và sự phát triển trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Còn doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đang chịu tác động thế nào, thưa ông?
Giống như các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid 19 mới và đặc biệt dưới tác động các biện pháp của Chính phủ để đối phó với dịch bệnh.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại Đức với 4.500 công ty Đức (trong đó có các công ty đang hoạt động tại Việt Nam), 55,3% công ty Đức kỳ vọng, tình hình sản xuất kinh doanh của mình tại Việt Nam năm 2021 sẽ được cải thiện so với năm trước.
Điều này đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu trong ASEAN (với 40,3%, không bao gồm Myanmar). Chỉ 10,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sẽ khó khăn hơn năm 2020.
Kỳ vọng vào tương lai của doanh nghiệp, khảo sát cũng cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp Đức với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. 65,8% doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ tốt hơn hoặc vượt bậc ở Việt Nam trong 12 tháng tới (ASEAN: 51%, không bao gồm Myanmar). Thậm chí, có tới 47,4% muốn tăng đầu tư (ASEAN 27,7%, không bao gồm Myanmar).
Các gói hỗ trợ trước đây của Việt Nam là thận trọng và vừa đủ. Những tác động tích cực của các gói hỗ trợ này có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.
Theo các doanh nghiệp Đức, vấn đề thiếu nhu cầu (41,7%) và thiếu lao động có tay nghề tốt (41,7%) là những yếu tố ảnh hưởng chính đến hoạt động kinh doanh của họ. Hầu hết các doanh nghiệp bị hạn chế đi lại (83,8%), ít nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ (40,5%) và phải hủy bỏ các hội chợ và sự kiện thương mại (37,8%).
Tóm lại, cho đến nay, các công ty Đức vẫn thể hiện sự lạc quan về Việt Nam nói chung và các hoạt động kinh doanh tại đây nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn sớm để đánh giá tương lai sẽ như thế nào, bởi điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác nhau.
Các gói hỗ trợ thận trọng và vừa đủ
Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng Covid-19 và đã có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về những gói hỗ trợ này?
Theo tôi, các gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ Việt Nam trong năm khủng hoảng 2020 là hiệu quả. Chính phủ đã phản ứng nhanh chóng, can đảm nhưng cũng rất thận trọng, vì vậy, Việt Nam đã kiểm soát được sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và làm chậm sự suy thoái kinh tế.
Gói hỗ trợ khẩn cấp cho người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn là cần thiết. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ cần được thực hiện hết sức thận trọng. Việc phân phối tiền ra thị trường nhằm kích cầu sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Thay vào đó, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cần được ưu tiên hỗ trợ để có thể phục hồi.
Khủng hoảng chắc chắn sẽ bộc lộ những điểm yếu của một số doanh nghiệp. Nếu các công ty có thể thích ứng với khủng hoảng, các biện pháp hỗ trợ của nhà nước sẽ thích hợp trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu các công ty thiếu khả năng ứng biến với thị trường, sẽ có nguy cơ bị thay thể bởi những mô hình kinh doanh mới phù hợp hơn với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Đó là lý do tại sao tôi cho rằng, các gói hỗ trợ trước đây của Việt Nam là thận trọng và vừa đủ. Những tác động tích cực của các gói hỗ trợ này có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng tốt hơn hầu hết các nước khác trên thế giới. Điều này bao gồm cả chính sách kích thích tài khóa và các chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng.
Về chính sách tiền tệ, Việt Nam đã không tham gia vào “cuộc chơi” in tiền không giới hạn (theo Lý thuyết tiền tệ hiện đại), cũng như áp dụng chính sách lãi suất bằng 0 tai hại. Do đó, lạm phát và năng lực hành động của nhà nước vẫn đang trong kiểm soát.
Trong khi nợ công ở những nơi khác bùng nổ (Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Đức 70%, Hy Lạp 210%, Italy 157%), nợ công của Việt Nam vẫn ở mức 48% GDP vào năm 2020 (theo báo cáo của Bộ Tài chính) và đạt dưới mức trần 65% của Quốc hội. .
Tôi đánh giá, Việt Nam thực sự đã chuẩn bị tốt cho giai đoạn tới nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp.
Với tình hình hiện tại, theo ông, có cần thêm những gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp không?
Theo tôi, Chính phủ có thể có các gói hỗ trợ kinh tế nhưng cần dựa trên các biện pháp thành công của năm vừa qua. Cụ thể là không được để vượt quá mức trần dư nợ quốc gia do Quốc hội quy định.
Tin tốt là nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vào năm 2020 và có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn nữa vào năm 2021. Điều này sẽ khiến tăng thêm ngân quỹ và Chính phủ sẽ có nhiều ngân sách hơn cho bất kỳ biện pháp kích thích nào so với năm trước mà không làm tăng tỷ lệ nợ trên GDP.
Với tất cả các khoản nợ, một quốc gia phải nhận thức rằng, nợ sẽ phải được hoàn trả vào một thời điểm nào đó. Điều này dẫn đến hậu quả là gia tăng lạm phát hoặc khiến cho nền kinh tế yếu đi. Nợ nần nhiều thậm chí có thể dẫn tới sự sụp đổ của cả nền kinh tế. Tất nhiên, tất cả những giả thiết trên đều không quốc gia nào mong muốn.
So với những khó khăn mà Việt Nam đã từng có trong lịch sử, cuộc khủng hoảng Covid-19 là một thách thức, nhưng cho đến nay vẫn chưa phải là mối đe dọa lớn nhất.
Tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đủ mạnh để tự mình thoát ra khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp đã thực hiện cho đến nay để mở cửa nền kinh tế, điều quan trọng là phải tăng hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, số hóa nền kinh tế và thành lập cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc gia (theo đề xuất của TS. Nguyễn Trí Hiếu).
Tôi cũng đánh giá, sự hỗ trợ tốt nhất sẽ là mở cửa kinh tế trở lại. Chính phủ Việt Nam cần phải cân nhắc việc này ngay cả khi người dân chưa được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng. Nhiều bang của Mỹ đã nhận ra rằng, không thể kìm hãm nền kinh tế và lấy đi tự do cũng như sinh kế của người dân.
Ví dụ, Texas và Florida mở cửa, trong khi phần lớn dân số chưa được tiêm chủng vaccine (tại Texas 38,7% người dân đã tiêm chủng, Florida 42,7%). Theo một nghiên cứu của Đại học Stanford, tỷ lệ sống sót đối với Covid-19 vẫn là khoảng 99,85%, điều này cho thấy, chúng ta nên thận trọng nhưng không nên hoảng sợ.
So với những khó khăn mà Việt Nam đã từng có trong lịch sử, cuộc khủng hoảng Covid-19 là một thách thức, nhưng cho đến nay vẫn chưa phải là mối đe dọa lớn nhất. Hãy xem xét những khó khăn mà những con người vĩ đại trong lịch sử đã phải đối mặt trong những trận chiến đầy cam go của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp.
Công thức chung cho sự thành công
Ông dự đoán thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay?
Cũng như năm trước, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn trong năm 2021. Thế giới đã công nhận Việt Nam là một trong những quốc gia đã vượt qua khủng hoảng năm 2020 một cách tốt nhất. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức tương tự vào năm nay. Năm 2021, công thức chung cho thành công của Việt Nam sẽ là:
Thứ nhất, thúc đẩy tự do hóa thương mại và các Hiệp định Thương mại tự do (như EVFTA, UKVFTA).
Thứ hai, tiếp tục các chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ, thận trọng (không để nợ công vượt quá trần, không đưa ra chính sách lãi suất bằng 0).
Thứ ba, đưa ra các chính sách kinh tế và quy định hấp dẫn hơn với nhà đầu tư (đơn cử như Luật đầu tư mới của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1). Sự can thiệp của nhà nước sẽ làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Nếu Việt Nam tiếp tục con đường này thì rất có thể, quốc gia này sẽ tiếp nối câu chuyện thành công của năm ngoái. Tuy nhiên, không ai đoán trước được về sự phát triển của dịch bệnh. Suy thoái kinh tế bởi Covid-19 tại các nước đối tác quan trọng của Việt Nam cũng là một mối đe dọa.
Một khó khăn nữa là việc áp dụng các biện pháp để cân bằng giữa hậu quả của dịch bệnh và tác động của các biện pháp chống dịch. Chúng ta cần cân nhắc để chắc chắn rằng, thuốc chữa bệnh không mang lại tác dụng xấu hơn bệnh.
Năm 2020, Việt Nam đã đạt mục tiêu kép, vừa kiểm soát được đại dịch, vừa duy trì khôi phục các hoạt động kinh tế để thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Còn năm nay, Việt Nam có thể tiếp tục đạt mục tiêu này không, thưa ông?
Theo tôi, những thách thức lớn nhất là sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và việc xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19. Nếu nền kinh tế toàn cầu bắt đầu lại đà tăng trưởng, Việt Nam sẽ bước đi dễ dàng hơn, đặc biệt là khi đất nước đã đạt được một vị thế rất tốt vào năm 2020.
Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự cân bằng ở các yếu tố: sức khoẻ người dân, sức khỏe nền kinh tế, sự hạnh phúc cũng như tự do của mọi người. Nếu chỉ chú ý đến yếu tố thứ nhất mà bỏ quên các yếu tố còn lại, những tác động tiêu cực như sự nghèo nàn của một quốc gia cũng có thể dẫn đến tử vong.
Tôi nghĩ, Việt Nam đã tính đến tất cả những điều này và không để nền kinh tế bị suy sụp vào năm 2020. Đó là công thức đúng để đồng hành với Việt Nam vào năm 2021.
Đất nước đã sẵn sàng để định vị lại chính mình. Vì vậy, những đánh giá của tôi dành cho Việt Nam vẫn là lạc quan.
Tôi mong đợi một sự phục hồi - bất chấp môi trường kinh tế toàn cầu đang khó khăn. Tôi tin rằng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế khả quan vẫn có thể đạt được trong năm 2021. Mô hình có thể giống với số tiểu bang ở Mỹ, nơi tất cả các biện pháp chống dịch đã ngừng áp dụng ngay cả khi dân số chưa được tiêm chủng toàn bộ.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận