Chuyên gia dự báo CPI bình quân 2024 sẽ tăng 4,2% - 4,5%
Theo ông Ngô Trí Long, năm 2024, bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, việc lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra.
Các yếu tố tác động đến CPI tại Việt Nam
Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 đã tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI đã tăng 4,39% trong quý II/2024 và tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024.
Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024” sáng 3/7, bà Vũ Hương Trà, đại diện cục Quản lý giá - Bộ Tài Chính chỉ ra các yếu tố tác động đến CPI trong nước thời gian qua.
Theo đó, các yếu tố chính làm tăng CPI bao gồm giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhà ở và vật liệu xây dựng, các mặt hàng thực phẩm, giao thông.
Trong số các mặt hàng này có nhóm mặt hàng tăng theo quy luật tăng giá vào dịp lễ tết đầu năm, dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 như thực phẩm, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giải trí; có nhóm mặt hàng tăng theo diễn biến giá thế giới như vật liệu xây dựng, gạo; giá thịt lợn tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Các yếu tố chính làm giảm CPI bao gồm giá nhiên liệu là xăng dầu và gas. Giá xăng dầu trong nước biến động phức tạp theo thị trường thế giới và giảm liên tục từ tuần cuối tháng 4/2024 cho đến nay góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, các yếu tố làm tăng CPI 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước gồm: giá nhiều mặt hàng thiết yếu bao gồm lương thực, thực phẩm... đều tăng cao so với các năm trước.
Theo đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4%; chỉ số Giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51%...
Đồng thời, sự gia tăng chi phí đầu vào gây lạm phát chi phí đẩy. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chi phí sản xuất của nền kinh tế tiếp tục tăng, do chi phí của hầu hết các đầu vào sản xuất đều tăng tương đối.
Ngoài ra, tỉ giá tăng làm tăng giá hàng hóa qua kênh nhập khẩu. Phiên giao dịch cuối của tháng 6/2024, tỉ giá trên thị trường liên ngân hàng không thay đổi nhiều so với cuối tháng 5/2024 nhưng tỉ giá USD/VND trên thị trường tự do đã lên mức kỷ lục là 25.920 đồng/USD, tăng 65 đồng so với cuối tháng trước và tăng 4,6% so với đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, yếu tố làm giảm CPI 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước là giá cả thị trường biến động theo quy luật tiêu dùng, tăng vào những tháng đầu năm vào thời điểm Tết. Giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đối với giá xăng dầu, về cơ bản không có nhiều biến động.
Là nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên liệu nhập khẩu bên ngoài, do đó, các hoạt động của nền kinh tế khá “nhạy” với các cú sốc kinh tế toàn cầu.
Thời gian qua, kinh tế toàn cầu phải đối mặt với sức ép lạm phát cao và rủi ro suy thoái; các căng thẳng địa chính trị cũng ảnh hưởng đến biến động giá cả hàng hóa trên thị trường; đặc biệt, nhiều nước đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất, gây áp lực điều chỉnh tăng tỉ giá, lãi suất trong nước. Mặt bằng lãi suất giảm góp phần giảm chi phí sản xuất cho các hoạt động của nền kinh tế.
3 kịch bản lạm phát năm 2024
Trên cơ sở đó, ông Ngô Trí Long, dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 4,2% - 4,5%. Lý do chính là bởi năm 2024, bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra.
Thêm vào đó, Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
TS.Nguyễn Ngọc Tuyến, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức khoảng 4,5-4,7%.
Về phía TS.Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, ông đưa ra 3 kịch bản dự báo lạm phát trong năm 2024. Trong kịch bản cao, giá dầu tăng nhẹ, tỉ giá ổn định, CPI tăng trung bình 0,23%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (tương đương mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 2,8% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,6%.
Trong kịch bản trung bình, giá dầu và tỉ giá đều ổn định, CPI tăng trung bình 0,1%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (như trong quý 2/2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 2% và lạm phát trung bình cả năm ở sẽ mức 3,4%.
Trong kịch bản thấp, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm 2024, giá dầu và tỉ giá giảm, CPI tăng trung bình 0%/tháng, thậm chí có thể giảm, trong 6 tháng cuối năm 2024. Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 1,4% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,2%.
Như vậy, về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%.
Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đại diện cục Quản lý giá - Bộ Tài Chính khuyền nghị, cần tăng cường tập trung giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.
Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các Bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4,0-4,5%.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.
Đồng thời tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chú trọng công tác hướng dẫn Luật Giá năm 2023; kịp thời tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến Luật Giá và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.
Tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận