Chuyên gia Dragon Capital: Nợ xấu ngân hàng có thể được cải thiện trong năm 2024
Theo nhận định từ các chuyên gia trong talkshows gõ cửa tháng mới của SSI Research, nợ xấu của nhóm ngành ngân hàng có thể được cải thiện dần về cuối năm 2024.
Chương trình có sự tham gia của bà Phạm Thùy Dương – Giám đốc nghiệp vụ, Phòng Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam và bà Hoàng Việt Phương – Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research.
Bà Dương cho biết nợ xấu giai đoạn 2011-2013 và hiện nay có những điểm chung, tuy nhiên vẫn có những điểm đặc trung cho từng chu kỳ.
Vị chuyên gia của Dragon Capital chỉ ra rằng ở chu kỳ trước, nguyên nhân dẫn đến nợ xấu cao do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước được tích tụ nhiều năm và tín dụng quá cao (trên 30%/năm) cùng các gói hỗ trợ lãi suất 4% nhưng dòng tín dụng lại đi vào không đúng chỗ như chứng khoán và bất động sản. Sau đó lãi suất lại lên cao đến trên 20%/năm thì bất động sản đóng băng, doanh nghiệp phá sản; và phải mất khoảng 2.5 năm từ đầu 2012 đến giữa 2014, để nợ xấu ở mặt bằng cao đi xuống dần.
Ở giai đoạn hiện tại, bà Dương nhìn thấy những tín hiệu tích cực hơn nhờ chính sách tiền tệ được nới lỏng tương đối, được điều chỉnh rất kịp thời và lãi suất trở về mặt bằng thấp; mặt khác, Chính phủ cũng rất tích cực trong việc gỡ rối cho thị trường bất động sản và nếu Luật Đất đai mới được thông qua ở kỳ họp Quốc hội tới đây cũng là tín hiệu rất tích cực.
Bên cạnh đó, có sự sự dịch chuyển xu hướng nợ xấu trong quý 3/2023, xu hướng nợ xấu tăng lên nhưng nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) giảm xuống. “Như vậy, tổng nợ nhóm 2 trong ngành ngân hàng đang ở xu hướng tương đối ổn định”, bà Dương nói.
Ngoài ra, nếu trong năm 2024, Thông tư 02 được giãn thêm để hỗ trợ cho nợ tái cơ cấu, cùng với triển vọng kinh tế tốt hơn thì nợ xấu có thể cải thiện dần về cuối năm 2024.
Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trung bình từ 15-17% năm 2024
Bàn về lợi nhuận nhóm ngành ngân hàng, bà Dương cho biết ngân hàng là ngành duy nhất có lợi nhuận tăng trưởng dương 5 năm liên tục trong vòng 5 năm qua, trung bình 20%/năm. Trong khi đó, các ngành tăng trưởng mang tính chu kỳ sẽ có những năm lợi nhuận tăng mạnh, sau đó có thể âm một vài năm. "Điều này cho thấy lợi nhuận ngân hàng mang tính ổn định và bền vững, đủ chóng chọi với những bất trắc xảy ra”, bà Dương nói.
Dù năm 2023 là năm kinh tế khó khăn, dù chịu gánh nặng nợ xấu nhưng ngành ngân hàng vẫn cán đích lợi nhuận dương từ 3-5% và tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong năm sau.
“Lợi nhuận ngành ngân hàng trung bình có thể duy trì quanh 15-17% năm 2024", vị chuyên gia của Dragon Capital kỳ vọng.
Mức lợi nhuận nói trên được dựa trên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng có thể đạt từ 13-15%; biên lợi nhuận (NIM) của ngân hàng có khả năng cải thiện. Mặc dù các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để kích cầu doanh nghiệp nhưng tốc độ giảm của chi phí huy động vốn lại rất nhanh; còn chi phí dự phòng là một ẩn số, bộ đệm dự phòng các ngân hàng trong năm 2023 đã mỏng đi rất nhiều.
Bà hy vọng cuộc họp Quốc hội tháng 1 thông qua Luật Các tổ chức tín dụng mà có thể luật hóa Nghị định 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, sẽ tạo điều kiện cho hoạt động thu hồi nợ diễn ra mạnh mẽ hơn, có thể bù vào cho chi phí dự phòng năm 2023. Ngoài ra, cộng thêm nguồn thu phí có thể hồi phục nhẹ chẳng hạn như phí thanh toán từ hoạt động xuất nhập khẩu; thì mức tăng trưởng lợi nhuận chung của ngành từ 15-17% là rất đáng khích lệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận