Chuyên gia: Cần cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam
Bên lề hội thảo “Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán 2021-2030 - Những thách thức và tầm nhìn” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 21/3, ông Kojima Kazunobu, Chuyên gia tư vấn JICA/ Tư vấn trưởng, Viện nghiên cứu Daiwa đã chia sẻ về những đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo chuyên gia, kể từ khi bắt đầu giao dịch vào năm 2000, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã được mở rộng rõ rệt. Mặc dù hệ thống pháp luật liên quan được xây dựng và phát triển khá tốt, vẫn còn tồn tại một số vấn đề về chất lượng của các công ty niêm yết và công ty chứng khoán cũng như sự hiện diện hạn chế của các nhà đầu tư tổ chức trong nước. Các biện pháp cải thiện chất lượng của công ty niêm yết và tổ chức trung gian (công ty chứng khoán và quỹ) sẽ là chủ đề quan trọng trong thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, mức tăng trưởng chậm về số lượng các công ty niêm yết và các hoạt động gây quỹ trong những năm gần đây cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết. Bởi như chúng ta thấy, trong khi số lượng nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ khoảng 2 triệu người lên đến 7 triệu người trong 5 năm qua thì số lượng công ty niêm yết và tỷ lệ cổ phiếu lưu động có thể thanh khoản gần như không có sự thay đổi.
Điều này sẽ không khuyến khích các luồng đầu tư dài hạn dựa trên đánh giá tăng trưởng, mà luồng tiền của các nhà đầu tư sẽ được bơm vào hay rút ra tùy thuộc vào cảm tính thị trường và các sự kiện diễn ra trên thị trường. Do đó, chúng tôi tin rằng, một trong các giải pháp là Việt Nam nên áp dụng quy trình dựng sổ và bảo lãnh trong chào bán chứng khoán ra công chúng, giống như các thị trường chứng khoán lớn khác trên thế giới.
Yếu tố cần thiết để phát triển hiệu quả thị trường chứng khoán, không chỉ riêng đối với Nhật Bản, là việc đảm bảo tính “công bằng”, “hiệu quả” và “minh bạch”. Vấn đề này cũng đã được trình bày trong phần Mục tiêu và Nguyên tắc của IOSCO (Tổ chức Quốc tế về Ủy ban Chứng khoán).
Nhìn từ góc độ này, thị trường chứng khoán Việt Nam cần tập trung vào các nội dung: “cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết”, “nâng cao nhận thức và năng lực tuân thủ của các công ty chứng khoán”, và “củng cố chức năng thị trường sơ cấp (niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng)”.
Một số thông lệ của Nhật Bản và các thị trường tiên tiến khác mà tôi cho rằng Việt Nam nên cân nhắc áp dụng, gồm có: Phát huy vai trò của các tổ chức tự quản (SRO) để nâng cấp các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán; Củng cố việc thẩm định công ty niêm yết, trong đó tích hợp cả thẩm định định tính để nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết; Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về dựng sổ và bảo lãnh phát hành đối với chào bán chứng khoán ra công chúng nhằm thúc đẩy hoạt động gây quỹ cũng như tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhiều các nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận