Chuyển động cổ phiếu ngân hàng trong tháng 6
Trong tháng qua, cơn sốt “dòng bank” đã có phần thuyên giảm khi thanh khoản và thị giá đều suy giảm.
Kết thúc phiên 30/06, chỉ số VN-Index tăng 80.5 điểm, tương đương tăng 6% so với cuối tháng 5, đóng cửa ở mức 1,408.55 điểm. Đồng thời, dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 30/06 cũng tăng 22.64 điểm, tương đương tăng 4% so với cuối phiên 31/05, lên mức 667.96 điểm.
Vốn hóa tiếp tục nâng cấp
Trong tháng 6, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng tăng gần 57,817 tỷ đồng, lên mức 1.95 triệu tỷ đồng (tính đến phiên 30/06/2021), tương đương tăng 3% so với mức 1.89 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 5.
Ở nhóm ngân hàng “gốc” Nhà nước, vốn hóa Vietcombank (VBC) bứt phá khi tăng 18% trong khi VietinBank và BIDV lần lượt giảm 1% và 3%.
Về phía khối ngân hàng cổ phần tư nhân, chỉ có số ít ngân hàng gia tăng vốn hóa như MBB (+14%), ACB (+8%), HDB (+5%), MSB (+10%).
Trong tháng qua, cơn sốt “dòng bank” đã có phần thuyên giảm khi dòng tiền có xu hướng rút khỏi nhóm này.
Điều này làm dấy lên băn khoăn cho nhà đầu tư rằng liệu cổ phiếu ngành ngân hàng có còn hấp dẫn?
Theo nhận định của CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS), P/E, P/B toàn ngành vẫn còn hấp dẫn khi lần lượt thấp hơn 30% và 16% so với VN-Index. So với nhóm ngân hàng cùng ngành trong thị trường mới nổi và ASEAN, mức định giá cao hơn hiện tại hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung.
Trong khi đó, ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của CTCK MBS cho rằng: “Bắt đầu từ quý 2 và những quý cuối năm, cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ chững lại hoặc bị điều chỉnh giảm hoặc tăng chậm hơn mức tăng chung của thị trường. Nguyên nhân là chắc chắn thời gian tới ngân hàng sẽ phải áp dụng Thông tư 03, do đó trích lập dự phòng rủi ro sẽ tăng lên, lợi nhuận của các ngân hàng trong 3 quý tới dù vẫn tốt nhưng sẽ không còn được như quý đầu năm nữa.
Nguyên nhân thứ hai, đến khoảng tháng 6-7/2021, một loạt các ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn, ước tính khoảng 100,000 tỷ vừa phát hành tăng thêm, vừa trả cổ tức bằng cổ phiếu. Với lượng lớn cổ phiếu cung ra thị trường như vậy, cung cầu phải có sự cân bằng trở lại, thì chắc chắn mặt bằng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ không còn được tươi sáng như thời gian đầu năm.”
Thanh khoản sụt giảm
Trong tháng qua, có hơn 245 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, giảm 14% so với tháng 5. Giá trị giao dịch gần 10,018 tỷ đồng/ngày, giảm 2%.
Hầu hết thanh khoản cổ phiếu của các ngân hàng đều sụt giảm so với tháng trước. Trong đó, Kienlongbank (-79%) có thanh khoản giảm mạnh nhất, xuống còn 243,495 cp/đơn vị.
Một vài nhà băng có thanh khoản tăng được kể đến là EIB (+77%), BAB (+70%), VCB (+39%), NVB (+18%), OCB (+9%), SSB (+2%).
Tháng 6 này, thanh khoản cổ phiếu VPB vươn lên vị trí dẫn đầu, với khối lượng khớp lệnh bình quân mỗi ngày hơn 32 triệu cp, giảm 5% so tháng 5.
Trong khi đó, VBB vẫn là ngân hàng có thanh khoản thấp nhất nhóm ngân hàng với 138,207 cp được giao dịch mỗi ngày, giá trị giao dịch chỉ hơn 3 tỷ đồng
Trong tháng 6, khối ngoại đã bán ròng hơn 33 triệu cp ngành ngân hàng, giảm 54% so với tháng 5. Theo đó, giá trị bán ròng gần 1,369 tỷ đồng, giảm 64% so với tháng 5.
Tháng 6 này, cổ phiếu CTG đã chấm dứt chuỗi 4 tháng bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất về khối lượng lẫn giá trị. Thay vào đó là cổ phiếu MBB có khối ngoại bán ròng mạnh nhất với gần 39 triệu cp, gấp 2.73 lần so với tháng 5, tương ứng với giá trị bán ròng gần 1,580 tỷ đồng, gấp 2.98 lần tháng trước.
Bên cạnh đó, VPB, CTG, LPB, MSB, BID, VIB, EIB, NVB, ACB, TCB, PGB, KLB là những nhà băng còn lại có khối ngoại bán ròng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận