Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm gia tăng giá trị hạt tiêu xuất khẩu
6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 154 nghìn tấn, trị giá gần 500 triệu USD, giảm 7,5% về lượng, nhưng tăng 39,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản phẩm đã giúp gia tăng giá trị hạt tiêu xu
Giá hạt tiêu ở mức cao
Mặc dù dịch Covid-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động mua bán hạt tiêu trong nước khá sôi động. Từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 7/2021. Hiện, giá hạt tiêu đen dao động trong khoảng 76.000 - 79.000 đồng/kg tăng từ 1,4 – 5,6% so với ngày 30/7/2021. Giá hạt tiêu trắng ở mức 113.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/ kg (tăng 0,9%) so với cuối tháng 7/2021 và tăng mạnh so với 66.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2020.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu nội địa sẽ tăng cao trong tháng 8/2021 do các đơn vị xuất khẩu tăng mua để bù vào lượng tiêu dự trữ thiếu hụt trong kho. Với tình hình khan hiếm như hiện nay, có thể giá tiêu sẽ sớm cán mốc 80.000 đồng/kg ngay trong tháng 8 này. Giá hạt tiêu tăng trong mấy tháng qua giúp nông dân phấn khởi vì sau thời gian trữ tiêu cũng đến thời điểm xuất bán, tăng lợi nhuận, còn doanh nghiệp cũng sẽ được vực dậy sau thời gian trầm lắng.
Ở đầu xuất khẩu, tại cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, ngày 9/8/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng tăng mạnh 250 USD/tấn (tăng 6,6%) so với ngày 30/7/2021, lên mức 4.050 USD/tấn và 4.150 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 250 USD/tấn (tăng 6,6%) so với ngày 30/7/2021, lên mức 6.050 USD/tấn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 154 nghìn tấn, trị giá gần 500 triệu USD, giảm 7,5% về lượng, nhưng tăng 39,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.225 USD/ tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang nhiều thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, như: Ai Cập tăng 89,1%, lên mức 3.477 USD/tấn; Ukraina tăng 73,7%, lên mức 3.502 USD/tấn; Nga tăng 70,9%, lên mức 3.472 USD/tấn; Kuwait tăng 64,6%, lên mức 3.585 USD/tấn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, ngành hạt tiêu của Việt Nam có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu cho hay, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm về lượng, nhưng tăng mạnh về trị giá, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, nửa đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 118,54 nghìn tấn, trị giá 366,35 triệu USD, giảm 11,2% về lượng, nhưng tăng 38,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đen trong nửa đầu năm 2021 đạt 3.090 USD/tấn, tăng 55,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đen sang một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao, như: Ireland tăng 294%, lên 3.592 USD/tấn; Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng 79,3%, lên 3.327 USD/tấn; Pháp tăng 64,5%, lên 2.978 USD/tấn.
Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu trắng xay đạt 3,85 nghìn tấn, trị giá 17,33 triệu USD, tăng 84,1% về lượng và tăng 114,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu trắng xay sang nhiều thị trường tăng, như: Hoa Kỳ, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nam Phi.
Hướng tới các sản phẩm chất lượng
Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam khá thuận lợi, tuy nhiên diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Giá cước phí tăng cao và tình trạng thiếu container rỗng khiến một lượng hạt tiêu xuất khẩu vẫn đang ùn ứ tại các cảng phía Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, nguồn cung hạt tiêu trên thị trường thế giới được bù đắp khi các nước Indonesia, Trung Quốc, Malaysia, Brazil, Campuchia bước vào vụ thu hoạch mới vào tháng 7 và tháng 8. Do đó, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới được dự báo sẽ giữ ổn định ở mức cao trong quý III/2021.
Tại thị trường trong nước, theo các chuyên gia, giá hạt tiêu tăng là do thị trường điều chỉnh, không phải doanh nghiệp hay nông dân có thể tự điều chỉnh được. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các nước bởi khi hạt tiêu tăng giá, sẽ có hiện tượng tranh mua nguyên liệu; nông dân, thương lái đua nhau trữ tiêu khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó về nguồn cung và khó ký những đơn hàng dài hạn. Hiện, các doanh nghiệp chỉ có thể ký kết những đơn hàng xuất khẩu ngắn hạn để có thể ứng phó với biến động của giá hạt tiêu nguyên liệu, tránh được rủi ro về biến động giá tiếp theo. Đồng thời, với cách ứng phó này, doanh nghiệp sẽ có thể thu được lợi nhuận cao hơn để tiếp tục xuất khẩu khi thị trường điều chỉnh liên tục.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), do bị ảnh hưởng thời tiết khô hạn đầu mùa mưa năm 2020 và thiếu đầu tư chăm sóc nên diện tích và sản lượng vụ mùa 2020-2021 giảm hơn 30% so với vụ trước, vì vậy giá hạt tiêu hiện nay và sắp tới sẽ tiếp tục tăng cao bền vững, có lợi cho người sản xuất. Tuy nhiên, nhiều nông dân trồng tiêu vẫn còn rất thận trọng, không vì giá tiêu tăng mà vội vàng tăng diện tích, chuyển sang trồng tiêu ồ ạt như trước đây.
Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cũng khuyến cáo bà con nông dân nên tập trung chăm sóc vườn tiêu hiện có theo hướng hữu cơ bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hoá học để phòng trừ sâu bệnh, không để dư lượng trong hạt tiêu và đăng ký với Hiệp hội để bán tiêu sạch nhằm đạt được giá tốt nhất.
Bộ Công Thương cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm, xu hướng sản xuất hạt tiêu tại các vùng trồng có sự thay đổi. Thay vì trồng ồ ạt, người dân đã quay trở lại cách trồng thiên về sử dụng các chế phẩm sinh học. Cụ thể, tại huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) hiện đang có 309 ha hạt tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ và VietGap, 1.204 ha hạt tiêu đạt tiêu chuẩn Rainforrest (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững). Sản phẩm hữu cơ luôn có giá ổn định và cao hơn hạt tiêu thông thường khoảng 20%.
Với đà tăng giá hạt tiêu hiện nay, ngành hạt tiêu Việt Nam với nhiều tiềm năng phát triển đang có động lực trở lại vị thế xuất khẩu tỷ USD như 5 năm trước đây.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất hạt tiêu cả nước tính đến cuối năm 2020 đạt 130.000 ha, giảm 22.000 ha so với năm 2018 (là thời kỳ giá hạt tiêu đạt mức cao nhất từ trước cho đến nay); trong đó, diện tích cho thu hoạch là 110.000 ha. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận