Chuyện đặc khu
Quảng Đông (TQ) có diện tích xấp xỉ 55% diện tích cả nước Việt Nam, dân số nếu tính cả vãng lai (thời gian ở hơn 6 tháng trong năm) khoảng 110 triệu người. GDP Quảng Đông năm 2019 đạt 10.769 tỷ RMP tương đương 1.520 tỷ USD (1 USD = 6,8975 RMP), chiếm 10,87% GDP cả nước (bằng xấp xỉ của cả nước Nga).
Đặc khu Hong Kong về địa lý thuộc Quảng Đông, nhưng thống kê GDP không tính trong GDP Quảng Đông và cả nước. Hong Kong có diện tích 2.755km2, trong đó diện tích mặt nước chiếm 60% (phần diện tích đất xấp xỉ tỉnh Vĩnh Phúc). Dân số Hong Kong 2019 xấp xỉ 7,6 triệu người, GDP danh nghĩa 2019 đạt 373 tỷ USD sau 100 năm phát triển.
Trong 31 đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố, khu tự trị (không tính Hong Kong), thì Quảng Đông đứng đầu về GDP. Quảng Đông có một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế Thâm Quyến nhiều người biết. Tuy nhiên, sự phát triển của Quảng Đông không phải chỉ ở các đặc khu.
Thâm Quyến có diện tích 1.997km2 tương đương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của ta, lớn gấp gần 2,5 lần tỉnh Bắc Ninh. Dân số Thâm Quyến xấp xỉ 12,5 triệu người, GDP danh nghĩa 2019 đạt 2.700 tỷ RMP (390 tỷ USD). So với cả tỉnh Quảng Đông thì GDP Thâm Quyến chiếm 1/4 và bằng khoảng 2,7% GDP cả nước.
Quy mô GDP Việt Nam 2019 (255 tỷ USD) chỉ bằng 83% so với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, TQ. Với quy mô GDP nhỏ bé như vậy, thì các chỉ số phát triển của đặc khu như Thâm Quyến là khá hấp dẫn. Tuy nhiên, Thâm Quyến đã phát triển từ 1980 đến nay, về diện tích lớn gấp mấy lần những tỉnh nhỏ của Việt Nam và đứng đằng sau là cả đại lục.
Ta cũng định phát triển các đặc khu kinh tế và có thể cả hành chính cũng mở hơn nữa. Về diện tích thì Vân Đồn 551 km2, Bắc Vân Phong 660 km2, Phú Quốc 590 km2, tổng diện tích 3 khu này cũng chưa bằng Thâm Quyến. Thâm Quyến là nơi TQ mở ra với thế giới và người đại lục mấy chục năm trước cần nơi dễ thở hơn để thoả sức làm ăn.
Đặc khu của ta về diện tích rất nhỏ bé nếu là nơi thu hút sản xuất công nghiệp thì không hợp. Mặt khác ta đã có rất nhiều khu chế xuất ở đất liền. Thu hút đầu tư công nghệ cao thì phải có ưu thế về nhân lực, thì ai sẽ ra đảo để sống. Nếu mong muốn thành trung tâm tài chính nếu có thì là câu chuyện của ít nhất 30 năm sau.
Nhanh nhất chắc là đầu tư du lịch, giải trí. Thế thì mục tiêu là thu hút gì? Hình mẫu sẽ như thiên đường casino Macao hay các khu vui chơi của Thailand? Vân Đồn muốn trở thành động lực kinh tế của Việt Nam thì sẽ thành gì đây? Nếu định áp dụng một thể chế tự do kinh doanh thì sao ta không áp dụng cho cả nước mà lại thí điểm việc TQ đã làm 40 năm trước?
Một đất nước gần 100 triệu dân mà kinh tế không bằng khu tự trị dân tộc thiểu số Quảng Tây của người ta thì quả là chạm vào lòng tự trọng quốc gia. Giống như một gia đình có cả ngàn mét mặt tiền thuận lợi, mà lại trông chờ vào việc cho thuê mấy mét để người ngoài đến mở cửa hàng làm ăn. Tại sao lại như vậy? Phải đặt câu hỏi đúng và trả lời trúng, thì mới giải quyết được vấn đề. Còn những người có trách nhiệm ở Vân Đồn đang trông chờ ngân sách nhà nước để phát triển thì nên nhớ Thâm Quyến còn chẳng có sân bay riêng ngay từ đầu.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận