Chuỗi phòng tập Fit24 cầu cứu Chủ tịch VNDirect Phạm Minh Hương giải cứu, nhưng không thành
Các cổ đông chính của hệ thống phòng tập Fit 24 đã nhờ bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect rót vốn đầu tư để hệ thống này có thể tiếp tục hoạt động nhưng không thành.
Vào đầu tháng 9/2024, bà Hương có buổi gặp gỡ với nhân viên, huấn luyện viên của Fit24 để giới thiệu về bản thân và IPA Group cũng như ý định tham gia tái thiết lại Fit24.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VNDirect.
IPA Group là Tập đoàn do bà Hương sáng lập hiện đầu tư đa ngành, trong đó có VNDirect, có lĩnh vực nhà hàng và bán lẻ các sản phẩm thực dưỡng, tự nhiên…
Tại buổi gặp gỡ này, các nhân viên của Fit24 chủ yếu quan tâm khi nào được nhận lương, nưng không có câu trả lời. Sau đó, dự định đầu tư của bà Hương vào Fit24 để tái thiết hệ thống phòng tập này trong giai đoạn khó khăn về tài chính không thành công. Tối ngày 4/10/2024, hệ thống phòng tập Fit24 bất ngờ thông báo tạm ngưng hoạt động tất cả các chi nhánh kể từ ngày 5/10.
Lý do tạm đóng được thông báo là “do bộ phận cổ đông Fit24 xảy ra vấn đề và cần giải quyết nội bộ nên cần thời gian khắc phục do bất khả kháng và vượt ngoài tầm kiểm soát”.
Fit24 dừng hoạt động trong bối cảnh nợ lương nhân viên, PT (huấn luyện viên cá nhân) từ tháng 6 và hứa hẹn đến ngày 10/10/2024 sẽ thanh toán một phần sau vài lần hứa thanh toán lương, nhưng không thể thực hiện được trước đó.
Đáng chú ý là hàng trăm khách hàng của hệ thống phòng tập này vẫn còn sở hữu thẻ hội viên, thẻ tập với huấn luyện viên cá nhân trị giá từ vài triệu cho đến cả trăm triệu đồng.
Thông báo của Fit24 gửi hội viên.
Chia sẻ với truyền thống, Giám đốc Fit24 ông Lê Chí Trung vẫn khẳng định, các cổ đông đang xử lý vấn đề để mở cửa trở lại.
Fit24 là hệ thống phòng tập có tiếng tại TP.HCM với hệ thống 5 phòng tập ở những vị trí thuận tiện đi lại. Ưu điểm của Fit24 là cơ sở vật chất, máy móc đầu tư tốt, nhiều lớp học như yoga, zumba, kickboxing.
Tuy nhiên, giống như một số hệ thống phòng tập khác cách thức kinh doanh của Fit dựa trên 2 nguồn thu chính là bán thẻ hội viên có giá trị tập theo năm và gói tập luyện hoặc căng cơ với huấn luyện cá nhân.
Nếu thẻ tập luyện theo năm có giá thấp nhất là khoảng gần 6 triệu cho 18 tháng (tính cả khuyến mại), thì gói tập với huấn luyện viên cá nhân có giá từ 350.000 đồng đến 700.000 đồng/buổi cho gói từ 30 đến 120 buổi, tương đương từ 30 đến 60 triệu đồng/hợp đồng tập luyện. Mức giá tùy thuộc vào thỏa thuận giữa khách hàng và các huấn luyện viên cá nhân và đối với khách hàng cũ thì có thể tùy thuộc vào thời điểm khuyến mại. Ngay trong thời điểm nợ lương nhân viên vừa qua, Fit24 chạy chương trình khuyến mãi với giá rất thấp.
Điểm hạn chế của Fit24, theo phản ánh của một số khách hàng, thu nhập của huấn luyện viên chủ yếu từ hoa hồng bán hợp đồng tập luyện, nên khách hàng thường xuyên nhận được lời mời mua hợp đồng ngay cả khi hợp đồng cũ còn nhiều buổi tập.
Khi huấn luyện viên cũ nghỉ, các huấn luyện viên mới thường ngại nhận khách hàng cũ vì phải tập cho khách đến hết giá trị hợp đồng, mà không còn hoa hồng, trong khi chưa biết khách có tái ký hợp đồng mới không.
Quy trình tập luyện chủ yếu do khách và huấn luyện viên chủ động, gần như không có sự giám sát của cấp quản lý để đảm bảo hiệu quả hoặc tạo động lực thúc đẩy khách hàng tập luyện.
Từ sau Covid-19, khi kinh tế suy giảm tăng trưởng, khả năng chi tiêu của khách hàng giảm theo cùng với sự ra đời của không ít hệ thống phòng tập mới với xu hướng mới như pilates, phòng tập ứng dụng công nghệ, hay phòng tập xây dựng phong cách sống… cam kết không chèo kéo khách hàng… Fit24 đã suy yếu dần khả năng cạnh tranh.
Theo một báo cáo thị trường về ngành gym được công bố của Vietdata, Fit24 - Fitness And Yoga đi qua giai đoạn dịch bệnh cực kỳ khó khăn, thì đến năm 2022 đạt hơn 39 tỷ đồng doanh thu tăng gấp đôi so với năm trước. Lợi nhuận của chuỗi phòng gym này cũng đã được cải thiện, mặc dù vẫn phải chịu lỗ nhưng đã giảm bớt so với những năm trước.
Bình luận về Fit24, một khách tập là lãnh đạo một công ty niêm yết có trụ sở tại quận 3 cho biết: “Chỉ tập trung thúc đẩy nhân viên bán hợp đồng tăng doanh số mà không tạo ra các giá trị cạnh tranh mới thu hút khách hàng thì đóng cửa phòng tập chỉ là vấn đề thời gian”.
Ngành gym Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 20%. Thị trường này cũng phân ra thành nhiều phân khúc cho khách hàng thu nhập cao, phân khúc dành cho sinh viên, học sinh và những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, phần lớn thị phần đều nằm trong tay các thương hiệu cao cấp, trong khi các phòng tập bình dân dù có quy mô lớn nhưng không chiếm tỷ lệ nhiều.
Thị trường Việt Nam đã có nhiều thương hiệu tên tuổi như California Fitness & Yoga, City Gym ở phân khúc cao cấp và Getfit Gym & Yoga, Elite Fitness, hay Fit24 ở phân khúc tầm trung. Trong đó, không ít thương hiệu trên thị trường đã cán mốc doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận