Chuỗi cung ứng toàn cầu thêm tắc nghẽn
Nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, nhưng có những dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu chưa sớm được tháo gỡ.
Nút thắt tại Trung Quốc
Trung Quốc hiện là một trong những nước hiếm hoi chọn các biện pháp thắt chặt quản lý để đối phó với dịch bệnh Covid-19. Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đang tạo nhiều bất lợi cho sự phục hồi kinh tế khi giới chức nước này sẵn sàng đóng cửa một nhà máy, một khu phố hay cả thành phố bất cứ lúc nào để ngăn chặn dịch bệnh. Sự xuất hiện của chủng virus mới Omicron đã lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc, từ đó khiến chính phủ nước này áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đi lại hay phong tỏa nghiêm ngặt hơn ở trong nước.
Ông Thomas O’Connor, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Gartner Inc. ở Sydney, cho biết: "Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, giữ vai trò quan trọng trong ngành sản xuất toàn cầu. Nếu có sự ngưng trệ trong hoạt động sản xuất ở Trung Quốc liên quan đến Covid-19, nó sẽ làm tổn hại lớn đến kinh tế toàn thế giới".
Thời gian gần đây, các đợt bùng phát dịch bệnh Covid bởi biến thể Delta và Omicron đã khiến một số nhà máy sản xuất quần áo, hoạt động vận tải khí đốt xung quanh cảng Ninh Ba, một trong những cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới, bị gián đoạn. Hoạt động sản xuất chip ở thành phố Tây An cũng bị đình trệ khi thành phố này bị phong tỏa.
Trung Quốc đang bước vào những ngày cao điểm sản xuất trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhiều tuần. Nhiều chủ hàng lo ngại, nếu hàng hóa không được giao kịp thời, họ sẽ không có hàng để tung ra thị trường vào mùa xuân và đầu hè.
Do đó, các công ty vận tải đang nỗ lực tránh cảng Ninh Ba. Theo Bloomberg, nhiều con tàu đang chuyển hướng đến Hạ Môn. Việc các tàu chuyển hướng càng khiến tình trạng tắc nghẽn ở các cảng Trung Quốc trở nên căng thẳng trong bối cảnh nước này đang áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.
Tại Thâm Quyến, việc xét nghiệm với cư dân và tài xế xe tải đã khiến một hàng dài tàu đứng yên chờ đợi ở cảng, năng lực vận tải hiện tại ước tính chỉ bằng một nửa so với mức bình thường.
Các hãng vận tải cho biết, lượng tàu đổ dồn đến Thượng Hải đã khiến lịch trình ra khơi của các tàu container gần đó bị trì hoãn khoảng 1 tuần. Sự chậm trễ này có thể kéo theo tình trạng tắc nghẽn, tồn đọng hàng hóa ở Mỹ và châu Âu.
Nhiều “nút thắt” khác xuất hiện
Ngoài Trung Quốc, một số nơi khác như Felixstowe – cảng container lớn nhất Vương quốc Anh, vẫn đang bị tắc nghẽn vì các container đang xếp hàng dài chờ được dỡ hàng.
“Tình trạng thiếu tài xế đang diễn ra trên toàn thế giới, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển không thể đáp ứng được nhu cầu của các tàu container”, ông Robert Keen, thuộc Hiệp hội Vận tải Quốc tế Anh nhận định.
Các cảng biển ở bờ Tây nước Mỹ cũng rơi vào tình trạng tương tự, do thiếu nhân viên làm việc tại cảng, tài xế và đội xếp dỡ container.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan dự báo rằng chuỗi cung ứng 2022 sẽ được cải thiện khi những vấn đề về thiếu hụt lao động và kho bãi được giải quyết, vận tải đường biển sẽ phục hồi vào nửa cuối năm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa thấy điểm kết thúc, nhiều chuyên gia đã cho rằng, diễn biến của chuỗi cung ứng năm 2022 phụ thuộc vào bốn chữ P: Product (sản phẩm), Prices (giá cả), People (con người) và Political (chính trị).
Thời gian tới, nhiều sản phẩm, nguyên vật liệu sẽ tiếp tục trong tình trạng khan hiếm, nhất là các chất bán dẫn. Giá nguồn cung vẫn sẽ ở mức cao, thậm chí giá nhiều loại nguyên liệu thô sẽ tăng cao hơn nữa.
Nguồn nhân lực vẫn là vấn đề nan giải mà doanh nghiệp cần phải giải quyết sớm. Bên cạnh đó, các chính sách mới có thể sẽ được ban hành, nhiều quyết định liên quan đến lạm phát, thương mại, lao động nhập cư sẽ có tác động lớn đến thị trường.
Gián đoạn chuỗi cung vẫn sẽ là một thách thức lớn trong năm 2022, khi mà đại dịch vẫn đang tiếp diễn với các biến chủng phức tạp hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận