"Chúng ta phải nghi ngờ tất cả!"
Theo kết luận điều tra hồi tháng 9/2022, "chi viện" cho ông Đỗ Thành Nhân thực hiện phi vụ thao túng giá cổ phiếu TGG, BII là cựu CEO Chứng khoán Trí Việt (TVB) Đỗ Đức Nam cùng nhóm lãnh đạo, nhân viên công ty này. Trong khi đó, Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) chính là "cây ATM" giúp ông Nhân có tiền lớn để đua lệnh và đẩy giá cổ phiếu.
Như chúng tôi đã thông tin, ngày 9/12/2022, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng về tội thao túng thị trường chứng khoán căn cứ theo Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital (Mã TGG), CTCP Louis Land (Mã BII), CTCP Chứng khoán Trí Việt (Mã TVB) ngày 20/4/2022.
Ít ngày sau đó, Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt đã công bố thông tin về quyết định này.
Trước đó, hồi tháng 9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thông báo kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Louis Holdings và 4 bị can khác về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2020 - 2021, Louis Holdings mua cổ phần sở hữu, chi phối thêm nhiều công ty bao gồm 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo "hệ sinh thái" Louis Holdings.
Giai đoạn từ 4/1 - 6/10/2021 là thời điểm các đối tượng thực hiện các hành vi mua bán chéo, chốt giá ATC,... tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu TGG và BII qua đó thu lợi bất chính khoảng gần 154 tỷ đồng trong đó với mã BII, nhóm tài khoản chứng khoán của Đỗ Thành Nhân đã thu lời 63 tỷ đồng và thu từ TGG gần 91 tỷ.
Theo kết luận điều tra, “chi viện" cho ông Nhân thực hiện phi vụ nêu trên là Đỗ Đức Nam, Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt cùng nhóm lãnh đạo, nhân viên công ty này.
Để “đi lệnh” tạo cung cầu giả, đẩy giá cổ phiếu BII tăng gấp 10 lần và TGG 37 lần so với thời điểm mua vào, Đỗ Thành Nhân và nhóm đối tượng phải cần rất nhiều ngân lượng (margin). Theo đó, CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) chính là "cây ATM" giúp ông Nhân làm việc đó.
Được biết TVC hiện do ông Phạm Thanh Tùng làm Chủ tịch HĐQT. Ông Tùng hiện cũng là Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Chứng khoán Trí Việt (Mã TVB). Trong khi đó, ông Đỗ Đức Nam là cựu Thành viên HĐQT TVC.
Mới đây, sau khi thông báo rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT TVB và thành viên HĐQT, ông Bùi Minh Tuấn đột ngột có đơn xin rút đơn từ nhiệm gửi đi ngày 2/12/2022.
Cũng trong ngày 2/12, ông Tuấn không còn đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT TVB theo đơn từ nhiệm đã được HĐQT thông qua đồng thời không còn là thành viên HĐQT. Người được bổ nhiệm thay thế là ông Phạm Thanh Tùng, Phó Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Tùng chính thức là Chủ tịch mới của TVB từ ngày 2/12/2022, cho nhiệm kỳ 2022 - 2024.
Được biết, Ông Tùng từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của TVB từ năm 2010 đồng thời là thành viên sáng lập, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC).
6 tháng sau lời "cam kết"
Còn nhớ, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2022 tổ chức ngày 25/6, Ban lãnh đạo Chứng khoán Trí Việt đã trả lời chất vấn của cổ đông liên quan tới vụ cựu Tổng Giám đốc Đỗ Đức Nam bị bắt vì hành vi thao túng giá chứng khoán nhóm cổ phiếu Louis.
Ông Bùi Minh Tuấn - Thành viên HĐQT kiêm Quyền Tổng Giám đốc (thời điểm đó) cho biết, đối với họ cổ phiếu Louis, TVB khẳng định HĐQT và các thành viên Ban Tổng Giám đốc khác trong công ty không biết, không hợp tác, không quan hệ, không có bất kỳ chủ trương nào với hoạt động này. Sự việc hoàn toàn là trách nhiệm cá nhân của ông Đỗ Đức Nam và nhóm đồng phạm.
Như HĐQT đã khẳng định, TVB không có bất kỳ vai trò gì trong vụ việc này; nếu có, TVB đã bị lợi dụng uy tín, bộ máy để phục vụ cho các hoạt động phi pháp của nhóm cá nhân anh Nam.
Về vụ việc này, ông Phan Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT (thời điểm đó) khẳng định cá nhân ông không liên quan gì đến cổ phiếu Louis cũng như việc cựu Tổng Giám đốc Nam thực hiện các hành vi hợp tác, cấu kết với Louis. HĐQT công ty không ban hành bất kỳ chủ trương chính sách hay có bất kỳ định hướng nào liên can đến những hành động trên.
“Cá nhân tôi không gặp gỡ, không tiếp xúc, không hợp tác, không quen biết, không có lợi ích, không có bất kỳ chỉ đạo, trao đổi nào với ông Nam về những hoạt động mà cựu Tổng Giám đốc Nam triển khai. Những hoạt động mà cựu Tổng Giám đốc Nam triển khai hoàn toàn là hoạt động cá nhân của ông Nam”, ông Tùng nói.
Ông Tùng phân trần, ngay khi HĐQT và cá nhân ông Tùng có được những thông tin bên lề nghi ngờ việc Tổng Giám đốc Nam liên quan đến nhóm cổ phiếu Louis, TVB đã tiến hành khoảng 20 cuộc họp gồm họp nội bộ HĐQT, HĐQT họp với ban điều hành, HĐQT họp riêng với Tổng Giám đốc Nam, HĐQT họp Ban Tổng Giám đốc và phòng ban chức năng để làm rõ những hoạt động giao dịch cổ phiếu được cho là có liên quan đến Louis.
Cùng với đó, ông Tùng và ông Đỗ Thanh Hà - thành viên HĐQT đã bay vào TP. HCM gặp riêng ông Nam. Trong tất cả lần gặp mặt, ông Đỗ Đức Nam đều khẳng định không liên quan đến Louis và chỉ đang phát triển kinh doanh đơn thuần. Ông Tùng cho biết đã trao đổi trong các cuộc họp, gala công ty rằng: “Chúng ta phải nghi ngờ tất cả, chúng ta phải nghi ngờ ngay cả những người xung quanh”.
Trong vụ việc thao túng tại nhóm Louis, ông Tùng đánh giá TVB bị ảnh hưởng nhiều. Từ đó, công ty cần cẩn trọng hơn trong hoạt động kiểm soát và giám sát. Chúng ta phải có hoạt động đúng đắn và chắc chắn. Chiến lược kinh doanh mới của TVB điều chỉnh cho phù hợp và nhân sự TVB cũng được điều chỉnh, yêu cầu quản trị khắt khe hơn nữa, luôn phải nghi ngờ và giám sát. TVB là bị hại! Công ty bị một nhóm người trục lợi hệ thống về uy tín!
Cá nhân ông Tùng thừa nhận những sai sót, yếu kém của HĐQT và cũng xin nhận hình thức kỷ luật trước cổ đông. Ông Tùng vẫn mong muốn tham gia HĐQT TVB nhưng sẽ xin lui về vị trí Phó Chủ tịch (thời điểm họp).
Những cổ đông "đu đỉnh" còn gì sau 1 năm?
Hơn 7 tháng kể từ ngày vụ thao túng chứng khoán bị phát giác và những người có liên quan bị bắt, những cổ phiếu từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường đều đã rớt thảm kéo theo đó và nỗi buồn của hàng vạn cổ đông "mắc kẹt" tại các vùng giá cao.
Từ mức 18.900 đồng hồi giữa tháng 4/2022, cổ phiếu TGG kết phiên 12/12 chỉ còn 3.970 đồng thị giá - giảm 79%. Nếu so với mức đỉnh 74.800 đồng hồi tháng 9/2021, mã thậm chí giảm tới gần 95% giá trị. Tương tự, cổ phiếu BII cũng giảm gần 78% về còn 2.400 đồng thị giá trong cùng thời điểm. Nếu tính từ đỉnh 31.000 đồng, mã hiện đã mất tới hơn 92% thị giá.
Về kết quả kinh doanh, sau biến cố đầu quý 2/2022, cả TGG và BII đều báo lỗ khủng quý này với mức lỗ 13 tỷ và 9,4 tỷ. TGG sau đó lãi trở lại 5,2 tỷ trong quý 3 trong khi BII tiếp tục nối dài chuỗi kinh doanh thu lỗ lên còn số 4.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với 2 doanh nghiệp nhà Trí Việt. Chứng khoán Trí Việt từ mức lỗ 38,9 tỷ trong quý đầu năm 2022 đã ghi nhận lãi giảm về gần 1,5 tỷ trong quý 2 trước khi báo lỗ hơn 6,1 tỷ tỏng quý mới đây.
Trong khi đó, TVC thậm chí "thảm hại" hơn khi chuyển từ mức lãi 31,1 tỷ trong quý 1/2022 sang lỗ ròng hơn 288 tỷ trong quý 2 trước khi lãi trở lại 1 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua.
Trên thị trường, cổ phiếu TVB và TVC sau khi lập đỉnh vùng 27.x - 30.x đồng hiện đã giảm về dưới 5.000 đồng thị giá (tính cả phiên giảm sàn sáng ngày 13/12/2022) - tương ứng các mức giảm từ 80 - 85%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận