Chứng khoán Việt Nam lập kỷ lục thanh khoản
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một phiên giao dịch lịch sử khi khối lượng khớp lệnh trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) được đẩy lên mức kỷ lục với 707,45 triệu cổ phiếu được giao dịch, trị giá gần 10.000 tỷ đồng.
Kỷ lục khối lượng giao dịch trên HOSE được thiết lập trong ngày VN-Index giảm sâu. Áp lực xả hàng trong phiên chiều khiến VN-Index giảm 3,63% so với tham chiếu, xuống 867,37 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất từ cuối tháng 3 đến nay.
Nhiều cổ phiếu tăng trần thời điểm đầu phiên đã dần thu hẹp biên độ, thậm chí chuyển sang trạng thái giảm và đứt chuỗi tăng trước đó. Hàng loạt bluechip cũng rơi vào tình trạng nằm sàn và trắng bên mua như MSN, BID, CTG, PNJ...
Phiên ATC diễn ra khốc liệt khi tình trạng bán tháo diễn ra trên diện rộng. Hơn 310 cổ phiếu giảm, trong đó 64 mã giảm hết biên độ khiến VN-Index lao thẳng đứng từ trên 900 điểm xuống vùng 867 điểm.
Hàng loạt cổ phiếu trên thị trường giảm sâu, trong đó nhiều bluechips như CTG, MSN, GAS, HSG, POW, PNJ, VRE, PLX, MWG, BID…đều giảm sàn. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu tăng "nóng" thời gian gần đây như DBC, KSB, DRH, SJS,…cũng bị bán mạnh và đồng loạt giảm sàn.
Việc thị trường tăng "nóng" trong thời gian gần đây khiến xu hướng chốt lời gia tăng, cùng việc chỉ số Dow Jones Future hiện đang mất 500 điểm đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư.
Một điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 2 với hơn 258 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 42,4 triệu cổ phiếu với giá trị tương ứng 992 tỷ đồng, xấp xỉ so với phiên 10/6, trong khi bán ra 36,5 triệu đơn vị với giá trị tương ứng 734 tỷ đồng, giảm 15,7% so với phiên trước.
Riêng HOSE, dòng vốn ngoại tiếp tục mua ròng gần 260 tỷ đồng, tăng 38,8% so với phiên trước. VHM được mua ròng phiên thứ 2 với gần 196 tỷ đồng còn VCB được mua khoảng 217 tỷ đồng sau 8 phiên.
Trước đó, khi VN-Index vượt ngưỡng 900 điểm, đà tăng của chỉ số này đã có dấu hiệu chậm lại và đi ngang với các vùng kháng cự phía trên từ 900-930 điểm dù thanh khoản dồi dào.
Nhiều nhóm phân tích giữ nguyên kịch bản rằng chỉ số đã tăng quá nhiều và không có sự điều chỉnh đáng kể, nên thời gian tới rủi ro sẽ rõ ràng hơn nếu xuất hiện những thông tin tiêu cực trong và ngoài nước.
VN-Index và VN30 đều đang đối mặt với mức kháng cự của đường MA200. Thống kê sơ bộ khoảng 46% số lượng cổ phiếu đang giao dịch trên đường trung bình này. Riêng nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ có đến 60% cho thấy bản chất đà tăng của thị trường phụ thuộc nhiều vào dòng tiền đầu cơ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận