Chứng khoán tuần tới: Nhân tố bên ngoài đã lạc quan hơn
(TBKTSG Online) - Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần lễ thử thách vùng hỗ trợ quan trọng. Khởi động tuần bằng một phiên giảm mạnh nối tiếp đà giảm ở phiên cuối tuần trước đó, VN-Index đã quay lại ngay vùng hỗ trợ MA-50.
Phản ứng bật tăng, tích lũy và hồi phục tiếp tục trong các ngày sau đó của tuần là những điểm cộng đáng kể cho thấy vùng hỗ trợ quan trọng tại MA-50 đã phát huy tốt vai trò.
VN-Index đóng cửa tuần ghi nhận mức hồi phục 0,4% còn HNX-Index gần như đi ngang với mức nhích tăng nhẹ 0,1%. Thanh khoản giảm nhẹ 5% nhưng vẫn duy trì vùng cao hơn trung bình 20 tuần, thể hiện giao dịch vẫn tương đối sôi động trong tuần qua.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái bán ròng trong tuần này với giá trị bán ròng 222 tỉ, con số này cũng đã giảm đáng kể từ mức bán ròng mạnh xấp xỉ gần 1.000 tỉ đồng ở tuần trước đó. Tuy vẫn còn khá sớm để nói về khả năng mau chóng quay lại các giao dịch tích cực từ khối ngoại nhưng các thông tin lạc quan đến từ bình diện thế giới có thể sẽ là chất xúc tác hỗ trợ đáng kể điều này.
Trọng tâm thông tin rơi vào cuối tuần qua khi kết quả vòng đàm phán thương mại mới nhất của Mỹ-Trung được chia sẻ. Phát biểu trọng cuộc gặp mặt báo giới với sự có mặt của đại diện Trung Quốc, Phó thủ tướng Lưu Hạc, Tổng thống Trump đã thông báo Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn nông sản Mỹ trong 2 năm tới với giá trị khoảng 40-50 tỉ đô la mỗi năm.
Trung Quốc cũng đồng ý với một số biện pháp về quyền sở hữu trí tuệ và có một số nhượng bộ liên quan đến lĩnh vực dịch vụ tài chính và tiền tệ.
Đổi lại, Mỹ sẽ hoãn đợt tăng thuế mới mà theo dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ tuần tới (đợt tăng thuế vào 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc từ mức thuế 25 lên 30%) và có thể xem xét rút lại tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ mà Mỹ đã nêu ra trong tháng 9 vừa rồi.
Hai bên thống nhất gọi đây là “thỏa thuận giai đoạn 1” và giai đoạn 2 theo Tổng thống Trump cho biết, sẽ “bắt đầu đàm phán gần như ngay lập tức”. Sự thành công vượt ngoài mong đợi của lần đàm phán này đã giúp cải thiện đáng kể tâm lý giới đầu tư, các chỉ số chính tại Mỹ đều tăng vọt hơn 1% trong phiên cuối cùng của tuần, cặp tỷ giá đô la Mỹ/nhân dân tệ cũng lần đầu tiên trong gần một tháng qua trở lại bên dưới vùng 7,1 (nhân dân tệ mạnh lên) để thể hiện sự căng thẳng rõ ràng đã hạ nhiệt.
Bối cảnh vừa nêu là lý do để tin rằng thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ có sự khởi sắc tốt hơn trong giai đoạn tuần sau và điều này ít nhiều sẽ có những tác động đến động thái giao dịch của khối ngoại tại thị trường Việt Nam, đặc biệt đối với các quỹ thụ động.
Với nội tại thị trường Việt Nam, thông tin vào giữa tuần qua về việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s có thể xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã phần nào phủ bóng đen lên giao dịch trong ngắn hạn của thị trường. Dù vậy khá nhanh chóng, Bộ Tài Chính đã có những phản hồi khi cho rằng việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ, bỏ qua các nỗ lực đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô, theo Bộ Tài chính, là không phù hợp.
Bộ Tài chính nêu rõ đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.
Xét về góc độ phân tích kỹ thuật, như đã lưu ý ở các tuần trước đó, trạng thái kỹ thuật trong ngắn hạn của VN-Index đang ở mức trung bình khá với vị thế duy trì cao hơn MA-50 và đang tiến hành thử lại vùng kháng cự tâm lý quan trọng 1.000 điểm.
Với các thông tin có phần tích cực hơn từ bình diện thế giới, người viết duy trì quan điểm VN-Index vẫn có xác suất cao hơn vượt lên trên vùng kháng cự 1.000 điểm để phát triển mạnh hơn xu hướng tăng hiện tại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận