Chứng khoán từ ngày 17 - 21/6: Giai đoạn điều chỉnh tích cực cho đà tăng mới?
Theo chuyên viên tư vấn cao cấp Chứng khoán Mirae Asset Phạm Thanh Tiến, dù những lo lắng bắt đầu xuất hiện theo xu hướng tiêu cực trong thời gian tới nhưng đây chỉ là giai đoạn điều chỉnh tích cực cho đà tăng mới.
Sau đà tăng mạnh vượt mốc kỷ lục 1.300 điểm sau 2 năm, VN-Index bất ngờ rơi mạnh 21,6 điểm (-1,66%) vào cuối tuần qua, chỉ số về lại mốc 1.280 điểm, thị trường "nhuốm đỏ" với 366 mã giảm, 89 mã tăng và 52 mã đi ngang.
Toàn thị trường đạt giá trị giao dịch là xấp xỉ 33.700 tỷ đồng. Trong đó, sàn HOSE đạt 29.300 tỷ đồng, tăng đáng kể so với phiên trước đó.
Lực bán trên diện rộng, hầu hết các nhóm ngành đều giảm mạnh. Trong đó, ngân hàng dẫn đầu xu hướng giảm mạnh, nổi bật là VPB (VPBank, HOSE) lao dốc 3,86%.
"Rổ" VN30 có tới 28 mã giảm và chỉ có 2 mã "thoát nạn" là FPT (FPT, HOSE) tăng nhẹ 0,77% và SSB (SeABank, HOSE) tăng 1,38%. Ngoài FPT, nhiều cổ phiếu công nghệ thông tin đóng vai trò là "điểm sáng" hiếm hoi tăng giá duy nhất phiên hôm nay.
Khối ngoại bán ròng thêm 660 tỷ đồng với tâm điểm ở cổ phiếu FPT (FPT, HOSE), MWG (Thế giới di động, HOSE), VHM (Vinhomes, HOSE) cùng trên 100 tỷ đồng.
Sữa Mộc Châu chào sàn HOSE từ ngày 25/6
Theo thông báo, 110 triệu cổ phiếu MCM của CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) sẽ được niêm yết trên sàn HOSE kể từ ngày 25/6 với giá 42.800 đồng/cp.
Diễn biến cố phiếu MCM thời gian gần đây (Ảnh: SSI iBoard)
Kết phiên giao dịch ngày 13/6, MCM tăng 1,08% lên 48.000 đồng/cp, như vậy, MCM đã tăng 23% kể từ ngày 24/5 (thời điểm được HOSE chấp thuận niêm yết).
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2024, doanh thu đạt 625,4 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 50 tỷ đồng, lần lượt giảm 14,8% và 50,7% so với cùng kỳ.
Năm 2024, MCM đặt kế hoạch doanh thu 3.367,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 331,7 tỷ đồng, sau 3 tháng đầu năm, công ty lần lượt hoàn thành 18,6% và 15,1% kế hoạch năm.
Chứng khoán Việt Nam hướng tới mốc nâng hạng thị trường
Theo báo cáo mới nhất từ MSCI (công ty tài chính của Mỹ), Việt Nam được đánh giá đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ sự gia tăng giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật có thể được thực hiện mà không cần có sự phê duyệt trước của cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, MSCI đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận như giới hạn sở hữu nước ngoài, yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và việc thiếu công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh.
Như vậy, Việt Nam vẫn còn 8 tiêu chí cần cải thiện để hoàn thành bộ 18 tiêu chí của MSCI.
Theo đó, trong báo cáo triển vọng nâng Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng tương lai gần vào tháng 6/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Các mã cổ phiếu tiệm cận vùng đỉnh lịch sử
Trong lúc thị trường cần thời gian điều chỉnh trước khi bước vào con sóng mới, nhiều cổ phiếu ghi nhận nhịp tăng tốt trong thời gian qua và tiệm cận vùng đỉnh lịch sử.
Cổ phiếu DBC tăng tiệm cận vùng đỉnh trong 2 tháng (Ành: SSI iBoard)
Cổ phiếu DBC (Tập đoàn Dabaco Việt Nam, HOSE) diễn biến tích cực cùng xu hướng chung của ngành chăn nuôi khi giá thịt heo hơi tăng nóng. Thị giá tăng hơn 34% trong 2 tháng, tại 35.200 đồng/cp, cách đỉnh lịch sử ở ngưỡng 38.000 đồng/cp chưa tới 10%.
Cổ phiếu DPR (CTCP Cao su Đồng Phú, HOSE) đón nhiều tín hiệu mới từ hai con sóng cao su và bất động sản khu công nghiệp. Giá cổ phiếu đã tăng bật hơn 30% trong 3 tháng qua, đạt mức 46.050 đồng/cp, vượt đỉnh lịch sử. Song, áp lực thị trường khiến DPR lui về cùng 43.050 đồng/cp.
Cổ phiếu VGS (CTCP Ống thép Việt Đức, HNX) tăng hơn 550% từ vùng đáy cuối năm 2022 nhờ thông tin tích cực trong hoạt động kinh doanh, thị giá đang ở ngưỡng 37.000 đồng/cp, cách đỉnh lịch sử chưa đến 10%.
Cổ phiếu HAH (CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, HOSE) tăng hơn 15%, lên 48.000 đồng/cp chỉ trong vòng nửa tháng, cách đỉnh lịch sử vào tháng 6/2022 hơn 20%.
Nhận định và khuyến nghị
Trong tuần này, áp lực bán chủ động sẽ tiếp tục lấn áp trong vài phiên đầu tuần, chỉ số có thể giảm xuống thêm trước khi tìm thấy vùng cân bằng, sau đó bắt đầu xuất hiện sự phân hóa giữa các nhóm ngành cổ phiếu, nhiều cổ phiếu tốt sẽ sớm tăng trở lại.
Cuối tháng 6 là thời điểm kết quả kinh doanh bán niên được "hé lộ". Do vậy, diễn biến điều chỉnh như hiện nay là cơ hội tốt để mua các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong quý tới, nhà đầu tư cần có quá trình phân tích và định giá kỹ lưỡng. Một số ngành được quan tâm đó là: Bán lẻ, dầu khí, hàng không và công nghệ. Còn với những nhà đầu tư ngắn hạn, việc quản trị rủi ro danh mục và quản trị margin phải luôn được đặt lên hàng đầu dù trong bất kỳ điều kiện thị trường nào.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận