Chứng khoán tháng 9 có nối tiếp đà tăng?
Chứng khoán Việt Nam đã có một tháng 8 tích cực với đà tăng mạnh của chỉ số. Liệu đà tăng này có được tiếp nối trong tháng 9?
Thị trường sẽ thận trọng trong tháng 9
Theo ông Nguyễn Kim Chi – Giám đốc Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch CTCK KIS Việt Nam (KIS) nhận định, thị trường chứng khoán tháng 9 sẽ tiếp nối sự tích cực từ sự cuối tháng 8, dòng tiền đã gia tăng đáng kể, giúp VN-Index có nhiều kỳ vọng vượt 900 điểm. Tuy vậy mặt kỹ thuật vùng Index 880-920 là vùng kháng cự dày đặc với các chỉ báo chart ngày, tuần và tháng đấy là lúc nên thận trọng.
Trong tháng 9, ông Chi cho rằng yếu tố định giá rẻ so với tiềm năng hồi phục của doanh nghiệp sẽ có tác động tới diễn biến thị trường. Thị trường chứng khoán luôn vận động trước nền kinh tế và nội tại doanh nghiệp.
Yếu tố thứ 2 có tính trọng yếu là dòng tiền đầu tư, việc Fed duy trì việc nới lỏng tiền tệ sẽ kéo theo hành động của các nước khác trên thế giới chống lại trượt giá đòng tiền, Việt Nam cũng trong xu thế giảm lãi suất giảm, tăng quyết liệt giải ngân đầu tư công, FDI và FII tăng, với các dư địa chính sách lớn của Chính phủ thì tiềm năng TTCK Việt Nam là “có cửa’” chứ không chỉ màu xám.
Dòng tiền dồi dào luôn có tác động tích cực trực tiếp TTCK, dòng tiền này sẽ tìm đến những cơ hội thực thụ nằm trong qua trình vận động nền kinh tế và doanh nghiệp nào nắm bắt vận hội do Covid-19 mang lại, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành trong nền kinh tế.
Ông Chi cũng nêu ra một điểm nhấn thú vị đáng lưu ý dòng vốn đầu tư từ nhà đầu tư F0 đang gia tăng tích cực và về cách đầu tư của họ cũng khác biệt, chính F0 đang làm thay đổi nhiều khía cạnh trong phương pháp tiếp cận của nhóm nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường CKVN.
Sau nhịp hồi phục mạnh trong tháng 8, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược Thị trường – Khối Phân tích CTCK KB Việt Nam (KBSV) đưa ra cái nhìn tương đối thận trọng về khả năng duy trì đà tăng của thị trường trong tháng 9 khi mà nhịp tăng vừa qua đã phản ánh tương đối đầy đủ thành quả kiểm soát tốt làn sóng Covid-19 lần 2 của Chính phủ. Trong khi đó, KQKD quý 3 sẽ chưa thể là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường.
Dù vậy, ông Đức Anh vẫn cho rằng triển vọng hồi phục của TTCK Việt Nam các tháng cuối năm vẫn tương đối sáng sủa dựa trên yếu tố định giá thị trường rẻ cũng như hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác. TTCK Việt Nam kỳ vọng sẽ chủ yếu có biến động lình xình, đi ngang với các phiên tăng/giảm đan xen trong tháng 9, trước khi tiếp tục phục hồi trong các tháng cuối năm.
Về mặt thông tin, ông Đức Anh nhận xét, tháng 9 thường là vùng trũng thông tin trong nước, không chỉ về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, mà cả về các thông tin vĩ mô. Những thông tin chính trong nước có tầm ảnh hưởng đến thị trường vẫn sẽ là các thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19, gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ, các chính sách của NHNN và tình hình hoạt động của các NHTM, quỹ đầu tư ngoại mới quy mô lớn giải ngân lần đầu trên TTCK Việt Nam, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, và triển vọng khôi phục lại hoạt động du lịch trong các tháng cuối năm khi tình hình dịch dần được kiểm soát… Nếu xuất hiện theo chiều hướng tích cực, đây đều là những thông tin có thể gây hiệu ứng tốt, nâng đỡ thị trường trong thời gian tới.
Đối với thông tin quốc tế trong tháng 9, thị trường sẽ tập trung vào các thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và triển vọng vắc xin, cuộc họp chính sách của Fed căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và bầu cử tại Mỹ.
Không nên lo ngại khối ngoại bán ròng
Theo ông Chi, từ đầu năm 2020, khối ngoại đã bán ròng mạnh khi xảy ra Covid 19 và quay lại mua ròng khá ở nhịp Covid lần 2 xảy ra tại Đà Nẵng. Sự khó dự đoán thời hậu Covid làm cho khối ngoại phải cân nhắc đến việc tái cơ cấu danh mục cũng như tỷ trọng đầu tư tại các thị trường.
Tuy vậy ông Chi cho rằng không nên quá lo ngại bởi dòng tiền và hành vi các nhóm trên thị trường có thể tự cân bằng tốt, không chỉ cùng xu hướng với nhau, khi nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư nội lại có xu hướng mua ròng mạnh, hoặc khối tự doanh các công ty chứng khoán, cũng có nhiều giai đoạn hành động ngược lại.
Ông Đức Anh nhận định, trong thời gian tới, xu hướng mua/bán ròng của khối ngoại nhìn chung sẽ tiếp tục phụ thuộc chính vào khẩu vị rủi ro của các quỹ đầu tư toàn cầu, hay nói cách khác là diễn biến 3 yếu tố chính đang được thị trường quan tâm là dịch Covid-19, quan hệ Mỹ-Trung, chính sách tiền tệ của Fed. Kỳ vọng vào việc xuất hiện quỹ ngoại mới với quy mô lớn giải ngân lớn, hay được tăng tỷ trọng trong rổ cận biên có thể phần nào hỗ trợ hoạt động mua/bán của khối ngoại trên TTCK Việt Nam, nhưng sẽ không phải là yếu tố then chốt giúp thay đổi xu hướng bán ròng từ đầu năm đến nay.
Với kịch bản cơ sở, điều kiện vĩ mô trong nước tiếp tục được cải thiện, trong khi các yếu tố rủi ro toàn cầu chuyển biến tích cực kỳ vọng khối ngoại sẽ giao dịch tích cực và quay trở lại mua ròng trong các tháng cuối năm.
Chọn cổ phiếu nào để đầu tư trong tháng 9?
Theo ông Chi, đây là giai đoạn nhà đầu tư kiên trì chiến lược đầu tư có trọng điểm, thiên về yếu tố cơ bản, cẩn trọng và hành động dứt khoát với vị thế ngắn hạn ở vùng 910 điểm.
Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ các doanh nghiệp có tài sản gia tăng theo thị trường như đất đai, kim loại quý; các doanh nghiệp thực hiện thâu tóm và mở rộng chiếm lĩnh thị phần do đối thủ cạnh tranh bị đuối do Covid.
Nên chú ý các doanh nghiệp ở các nhóm sau: Bất động sản khu công nghiệp, ngành vật liệu xây dựng (gồm sắt thép, đá, nhựa) sẽ có ưu thế. Ngành bất động sản, doanh nghiệp xuất khẩu liên quan nhóm EVFTA sẽ trở lại. Ngành phụ trợ như logictic, năng lượng dự báo cũng sẽ tích cực trong năm 2020.
Với dự báo thị trường sẽ lình xình và tích lũy trong tháng 9, ông Đức Anh khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế hoạt động mua đuổi giá cao, tranh thủ tích lũy cổ phiếu ở các nhịp thị trường trùng xuống, ở nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng (hưởng lợi từ đầu tư công, hiệp định EVFTA, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đến Việt Nam, cổ phiếu kín room).
Bên cạnh đó, với tầm nhìn dài hạn hơn, nhà đầu tư có thể bắt đầu hướng tới các cổ phiếu có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau nền KQKD thấp vì ảnh hưởng bởi Covid-19 hoặc có tiềm năng tăng trưởng dài hạn được đánh giá cao như ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận