Chứng khoán tăng có cơ hội cho thị trường vốn?
Theo giới chuyên môn, sự tăng, giảm của chứng khoán thời gian qua vẫn chủ yếu do yếu tố tâm lý nhà đầu tư.
Đúng như dự báo chỉ số VN-Index sẽ vượt lên trên 1.300 điểm vào cuối tháng 5/2021, nhưng điều đáng quan tâm hơn là giá trị giao dịch liên tục tăng trên sàn HoSE. Chẳng hạn ngày 3/6, sàn HoSE có phiên giao dịch bùng nổ với giá trị giao dịch lên gần 30.000 tỷ đồng. Còn tính chung giá trị giao dịch của cả 3 sàn trong phiên này đạt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng.
Theo ông Lê Hải Trà - Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), trong tháng 5 giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày đã vượt trên 22.100 tỷ đồng; còn tính bình quân 4 tháng đầu năm nay, giá trị mỗi ngày là 16.600 tỷ đồng, cao hơn nhiều giá trị giao dịch bình quân hàng ngày của tháng 12/2020 là 12.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý là giao dịch trên thị trường đã giảm lệ thuộc vào sự mua bán của khối ngoại. Bằng chứng là trong tháng 5 tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ở mức dưới 3 tỷ USD chiếm khoảng 7,3% tổng giá trị mua bán toàn thị trường. Trong giao dịch của khối ngoại, một số mã cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, được mua - bán rất mạnh, nhưng không thể áp đảo được khối lượng giao dịch. Điều này có phần do quy mô thị trường đã lớn hơn những năm trước rất nhiều, đặc biệt là lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong những tháng đầu năm nay tăng mạnh. Theo số liệu của Trung tâm lưu ký chứng khoán, tổng số tài khoản chứng khoán đến cuối tháng 5 đạt 3,2 triệu, tăng 742.000 tài khoản so với cùng kỳ năm ngoái.
Vấn đề là sự tăng trưởng mạnh mẽ của chứng khoán thời gian qua đã đủ để củng cố niềm tin cho các nhà hoạch định chính sách khi nhìn về triển vọng phát triển thị trường vốn Việt Nam, từ đó có thể san sẻ bớt gánh nặng lo vốn cho nền kinh tế với thị trường tiền tệ?
Theo giới chuyên môn, sự tăng, giảm của chứng khoán thời gian qua vẫn chủ yếu do yếu tố tâm lý nhà đầu tư. Chẳng hạn phiên giao dịch ngày 3/6 bùng nổ một phần cũng bởi phiên trước đó sàn HoSE phải dừng giao dịch buổi chiều do dòng tiền đổ vào quá mạnh có nguy cơ gây nghẽn mạng và điều đó đã kích ứng tâm lý nhà đầu tư giao dịch ở phiên kế tiếp.
Trên thực tế tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết toàn thị trường hiện nay là hơn 102.000 tỷ cổ phiếu với tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tương đương với 101% GDP. Trong khi tính đến cuối tháng 2/2021, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế vào khoảng 9,25 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 140% GDP; tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng cũng đã vượt mức 10 triệu tỷ đồng.
Hiện nay có những nhóm ngành có giá trị vốn hóa rất lớn gây tác động lớn lên chỉ số thị trường như ngân hàng, bất động sản, dầu khí. Tính đến hết tháng 5 trong 27 ngân hàng niêm yết 40 tỷ cổ phiếu trên cả ba sàn chứng khoán, mỗi bước tăng hay giảm giá của các mã ngân hàng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường.
Bên cạnh đó, phát biểu trong buổi làm việc với thị trường tài chính tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ phải gắn chặt với nhau. Trong các điều chỉnh chính sách phải hạn chế tối đa những tác động. Điều này đòi hỏi công tác quản lý và phương tiện phải đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện tượng nghẽn lệnh giao dịch phải được khắc phục vì nó ảnh hưởng đến tiền bạc của nhà đầu tư và gây mất niềm tin vào thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận