Chứng khoán phái sinh: Đề phòng cạm bẫy Mua - Bán đuổi
Dù tín hiệu lãi suất nghịch đảo tạm thời chấm dứt, nhưng rủi ro về giai đoạn thắt chặt kéo dài nhiều năm đang tác động tiêu cực đến kỳ vọng tương lai của nhà đầu tư phái sinh.
Điểm nóng về lãi suất trái phiếu và giá dầu
Trong bối cảnh địa chính trị còn tiếp tục căng thẳng, áp lực lạm phát đẩy giá hàng hóa và cụ thể là giá dầu tăng cao trong tuần, khiến các ngân hàng trung ương một lần nữa đưa ra các phát biểu cứng rắn trong việc thu hẹp chính sách hỗ trợ. Lạm phát tháng 4 của Mỹ chạm 8,5% và là mức cao nhất kể từ năm 1981, do đó, Fed nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất 0,5%/năm và chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu bắt đầu từ kỳ họp tháng 5. ECB cũng cho biết sẽ thu hẹp chương trình hỗ trợ trong cuộc họp diễn ra vào thứ 5 tuần qua.
Hậu quả được thể hiện trên biểu đồ xu hướng các loại tài sản đầu tư tài chính, khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tăng phi mã và ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu cũng như dòng tiền lớn trên thị trường Việt Nam. Dù tín hiệu lãi suất nghịch đảo tạm thời chấm dứt, nhưng rủi ro về giai đoạn thắt chặt kéo dài nhiều năm đang tác động tiêu cực đến kỳ vọng tương lai của nhà đầu tư phái sinh. Do đó, VN30F1M lùi sâu với độ lệch (spread) liên tục duy trì âm trong tuần.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh
Điểm nóng dòng tiền trong tuần qua nằm ở các cổ phiếu trong rổ VNDiamond khi FPT, MWG, REE và PNJ liên tục thiết lập mức đỉnh thời đại mới. Giá dầu thô thế giới hồi phục giúp các cổ phiếu dầu khí - vốn đang trong trạng thái quá bán - phục hồi đáng kể trở lại trong phiên cuối tuần với các gương mặt tiêu biểu như GAS.
Thế nhưng, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất, có tỷ trọng ảnh hưởng lớn nhất lên VN30-Index và chiếm tới 9/30 mã trong rổ VN30, lại là ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh là CTG, BID, VCB vốn đang trong xu hướng xấu, lại càng xấu hơn bởi áp lực thông tin gần đây. TCB chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động thanh lọc trái phiếu, thủng khỏi nền giá 48.000 đồng/cổ phiếu kéo dài trong một năm qua. VPB và MBB dù duy trì xu hướng mạnh mẽ cũng không tránh khỏi sức ảnh hưởng chung của nhóm ngành.
Chỉ số đóng cửa phía dưới ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm và duy trì áp lực điều chỉnh sang tuần tới khi đóng cửa sát mức thấp nhất phiên. Chiến lược ưu tiên sẽ là giao dịch trong biên độ và hạn chế chiều Mua cho đến khi có dấu hiệu phản ứng tạo đáy rõ ràng hơn.
Khuyến nghị: “Giao dịch trong biên độ”
Áp lực điều chỉnh còn được thể hiện trên yếu tố dòng tiền, số lượng hợp đồng giữ qua đêm hiện đã chạm tới hơn 40.000 hợp đồng và là mức cao nhất trong 6 tháng qua. Số lượng hợp đồng giữ qua đêm lớn và giữ sát tới tuần đáo hạn, càng thể hiện tâm lý “thua đủ” của hai bên Mua-Bán sẵn sàng đem hợp đồng vào đáo hạn dựa trên VN30-Index, đồng nghĩa với đó là kỳ vọng biến động mạnh của thị trường trong tuần tới.
Vì vậy, trong mọi trường hợp, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng thấp để giảm thiểu rủi ro rung lắc, đặc biệt là với khung thời gian giao dịch ngắn hạn. Nếu lướt sóng chiều Mua, nhà đầu tư canh khu vực hỗ trợ mạnh 1.470 - 1.480 điểm và cắt lỗ tại 1.460 điểm, có thể tăng xác suất mở lệnh bằng cách tìm kiếm mẫu hình đảo chiều như hai đáy hay phân kỳ dương.
Ở chiều ngược lại, vị thế Bán khống chủ động có thể thực thi nếu giá hồi vội vàng trong phiên đầu tuần ở 1.510-1.520 điểm, quản trị rủi ro khi VN30F1M vượt hẳn qua 1.530 điểm. Xu hướng yếu nên các vị thế nắm giữ dài hạn không có phương án hành động hợp lý.
Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua (11/4 - 15/4/2022)
Tuần qua người viết chờ lệnh Bán tại 1.530 điểm, nhưng giá chỉ hồi phục tới 1.520 điểm, chờ lệnh Mua tại 1.500 điểm, nhưng VN30F1M chỉ điều chỉnh về 1.500 điểm trong những phút cuối tuần và do đó không có cơ hội mở lệnh ngắn hạn.
Khi động lực hưng phấn của kết quả kinh doanh quý I đã cạn kiệt dần, thị trường rơi vào vùng trũng của thông tin và thiếu động lực thì dòng tiền sẽ trở lại nhóm cổ phiếu cơ bản với mức vốn hóa thấp. Sự chuyển dịch này đang dần đưa VN30Index về xu hướng đi ngang dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận