Chứng khoán Mỹ và châu Âu tiếp đà giảm mạnh, Dow Jones sụt hơn 500 điểm
Chứng khoán Mỹ và châu Âu giảm mạnh trong ngày 09/05 khi lãi suất tại Mỹ tiếp tục tăng và các trader lo ngại về rủi ro suy thoái.
Tính tới lúc 20h40 ngày 09/05, Dow Jones giảm 500 điểm (tương đương 1.6%), S&P 500 hạ 1.8% và Nasdaq Composite mất 2%.
Tại châu Âu, hầu hết các chỉ số chính đều giảm gần 2%, với Stoxx 600 giảm 1.91%, CAC sụt 1.66%, còn FTSE lùi hơn 1.6%.
Lãi suất tăng tiếp tục gây áp lực lên các cổ phiếu công nghệ như Meta Platforms và Alphabet, giảm tương ứng hơn 4.3% và 1.7%. Amazon và Apple đều giảm hơn 1%, còn Tesla và Nvidia lao dốc 3.3% và 4.3%.
Lãi suất cao cùng với khả năng suy thoái khi lạm phát tăng cũng tác động tiêu cực tới các lĩnh vực khác. Cổ phiếu tiêu dùng như Nike và Home Depot cũng giảm cùng với các cổ phiếu công nghiệp khác như Caterpillar và Deere. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đối mặt với nhiều áp lực, với Bank of America sụt 2%.
Trong khi đó, các ông lớn năng lượng như Chevron sụt 2.8% khi giá dầu WTI giảm hơn 2% xuống 107 USD/thùng.
“Chúng tôi dự báo thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh, với rủi ro nghiêng về phía suy giảm, khi rủi ro lạm phát đình trệ tiếp tục tăng”, Maneesh Deshpande, chuyên gia tại Barclays, nhận định. “Chúng tôi nghĩ khả năng tăng là rất hạn chế”.
Trước đó, Phố Wall vừa trải qua một tuần biến động cực mạnh khi nhà đầu tư lo ngại về đà tăng của lãi suất và rủi ro suy thoái.
Tuần trước, Dow Jones giảm nhẹ 0.24% và ghi nhận tuần giảm thứ 6 liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq đồng loạt mất lần lượt 0.21% và 1.54% trong tuần rút lui thứ 5 liên tiếp của hai chỉ số này.
Ông Brunello Rosa, CEO kiêm Giám đốc nghiên cứu của Rosa & Roubini, tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn, và sẽ có thêm một vài thông tin tiêu cực từ hoạt động kinh tế.
“Giờ là lúc xem xét lại các yếu tố nền tảng của nền kinh tế ở khắp thế giới về phương diện tăng trưởng”, ông Rosa nói. “Thật khó để lạc quan khi mà lạm phát leo thang, tăng trưởng đi xuống, và lãi suất đi lên trên toàn cầu. Rõ ràng, tất cả các ngân hàng trung ương đều đưa ra quan điểm cứng rắn ở thời điểm này. Nhưng thực tế là việc thắt chặt nhiều rốt cục sẽ dẫn đến suy giảm kinh tế”.
“Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và ở Mỹ, ngân hàng trung ương đều chưa thừa nhận rằng sẽ có một dạng suy giảm nào đó trong các hoạt động kinh tế”, ông Rosa nhận xét.
Ông Rose cho rằng cuộc chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kéo dài hơn nhiều so với dự báo, qua đó tạo ra những “cơn gió ngược” khác như nút thắt chuỗi cung ứng, lạm phát tăng vọt và lãi suất tăng.
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận