Chứng khoán Indonesia tăng mạnh nhất 20 năm nhờ đợt phục hồi kỹ thuật
Cổ phiếu Indonesia chứng kiến đà tăng mạnh nhất kể từ năm 1999 sau ngày nghỉ lễ thứ Tư khi cố gắng bắt kịp nhịp phục hồi mạnh mẽ đầu tuần này trên thị trường chứng khoán châu Á.
Theo đó, chỉ số Jakarta Composite Index bay cao tới 11% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, ghi nhận đà tăng mạnh nhất tại khu vực. Được biết, gần đây chỉ số này đã lao dốc khá mạnh khiến giao dịch trên thị trường bị tạm ngưng một vài lần. Cùng ngày, chỉ số chứng khoán châu Á nhích nhẹ 0.2% sau đà nhảy vọt 5.6% hôm thứ Tư, đánh dấu đà tăng mạnh nhất kể từ năm 2008.
Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà tăng với chỉ số tài chính tiến 14%, trong đó PT Bank Central Asia nhảy vọt 19% còn PT Bank Rakyat Indonesia bay cao 21%, trong khi cổ phiếu của nhà sản xuất hàng tiêu dùng PT Unilever Indonesia bật mạnh 20%. Đà tăng của các cổ phiếu này đã đóng góp nhiều nhất vào đà bứt phá của chỉ số Jakarta Composite.
Dù vậy, hiện thị trường chứng khoán Indonesia vẫn còn giảm 21% so với mức đầu tháng khi số ca nhiễm virus liên tục gia tăng. Với nỗ lực nhằm hạn chế tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, Chính phủ nước này đang tiến gần hơn tới việc nới lỏng mức trần thâm hụt ngân sách nhằm cho phép tăng cường chi tiêu. Ngoài ra, nước này cũng đang xem xét lần đầu tiên phát hành trái phiếu bằng đồng rupiah để giúp đỡ các doanh nghiệp tư nhân.
“Đây chỉ là một đợt phục hồi kỹ thuật tạm thời vì Jakarta Composite Index đã rớt quá mạnh gần đây”, nhận định của nhà phân tích Michael Wilson Setjoadi tại RHB Sekuritas. “Không có chất xúc tác tích cực trong nước khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng”.
Tính tới ngày thứ Tư, số ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia đã tăng lên mức 790 với 58 người tử vong. Số lượng người chết vì virus tại Indonesia là cao nhất Đông Nam Á và đã khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng nước này chống chọi với dịch bệnh.
Indonesia đang đối mặt với viễn cảnh tăng trưởng còn tệ hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu khi dịch bệnh lan rộng ra các khu vực khác trên quần đảo, khiến các nhà chức trách phải áp dụng lệnh phong tỏa một phần tại một số khu vực, trong đó có thủ đô Jakarta.
Cũng trong ngày thứ Năm, Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch giải cứu lịch sử trị giá 2,000 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế do đại dịch gây ra, qua đó gia tăng áp lực để Hạ viện nhanh chóng thông qua dự luật này và gửi đến Tổng thống Donald Trump ký.
Trên thị trường tiền tệ, đồng rupiah tăng tới 1.8% so với đồng USD lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2015, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm 0.18%. Bất chấp đà phục hồi mạnh này, một số nhà phân tích vẫn rất thận trọng khi sự bùng phát của dịch bệnh dường như vẫn chưa có hồi kết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận