Chứng khoán HDB và HDBank thu xếp dòng vốn cả nghìn tỷ cho Vietjet (VJC)
Trong những năm qua, Chứng khoán HDB (HDBS) và Ngân hàng HDBank – nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – cũng đồng thời đóng vai trò sắp xếp, cung cấp nguồn vốn cho Vietjet thông qua các khoản vay tín dụng và kênh trái phiếu.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã chứng khoán: VJC) vừa công bố báo cáo kinh doanh hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gấp 4,2 lần so với quý cùng kỳ năm trước, lên mức 11.807 tỷ đồng. Dù vậy, giá vốn bán hàng lên tới 15.650 tỷ đồng đã ăn mòn lợi nhuận và khiến VJC báo lỗ sau thuế 2.358 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Khoản chi phí tài chính trong quý của VJC cao gấp 4,5 lần so với cùng kỳ, ghi nhận mức 1.352 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay là 408,5 tỷ đồng; lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện là 569,8 tỷ đồng. Ngoài ra, VJC còn phải trích lập dự phòng giảm giá 490 tỷ đồng cho khoản đầu tư mua 50 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Dầu Việt Nam với giá gốc 990 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 39.342 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước. Lỗ gộp tăng 6% lên gần 2.167 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh lỗ tới 3.882 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 214 tỷ.
Kết quả, Vietjet lần đầu tiên báo lỗ sau thuế 2.711 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietjet giảm xuống còn 9.110 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Vietjet đã thực hiện vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116 nghìn chuyến bay, vận tải hành khách nội địa tăng trưởng 20% so với 2019 và là nhân tố chủ chốt dẫn dắt sự phục hồi. Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực và dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2023.
Giải trình về biến động kết quả kinh doanh, Vietjet cho biết lợi nhuận hợp nhất âm 2.171 tỷ đồng do doanh nghiệp đã chuyển lợi nhuận trên 3.559 tỷ đồng về Công ty mẹ để tăng cường đầu tư tài sản, mua mới 1 tàu bay A321 NEO từ Airbus và 2 tàu bay A321 từ các đối tác cho thuê tàu bay (Lessor) và 3 động cơ.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Vietjet đạt 67.146 tỷ đồng, tăng thêm gần 15.500 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 26.929 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, khoản phải thu ngắn hạn này bao gồm 14.253 tỷ đồng phải thu của khách hàng, 9.952 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác. Ngoài ra, Viejet còn cho CTCP Trường Sơn Plaza vay 657 tỷ đồng, lãi suất 9%/năm và sẽ đáo hạn trong năm 2022.
Đáng chú ý, nợ phải trả của Vietjet tính đến cuối năm 2022 tăng tới hơn 50%, lên mức 52.905 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng gấp đôi lên mức 30.822 tỷ đồng, gần bằng tài sản ngắn hạn (31.000 tỷ đồng).
Vay và nợ thuê tài chính tăng 13%, lên mức 17.482 tỷ đồng. Không ngạc nhiên khi chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của VJC là Ngân hàng HDBank, với khoản vay ngắn hạn hơn 2.917 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Quân Đội cũng cho Vietjet vay lần lượt 1.469 tỷ đồng và 1.072 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietjet cũng nằm trong danh sách các hãng bay nợ xấu tại ACV, với dư nợ 1.840 tỷ đồng.
Trong những năm qua, Chứng khoán HDB (HDBS) và Ngân hàng HDBank – nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – cũng đồng thời đóng vai trò sắp xếp, cung cấp nguồn vốn cho Vietjet thông qua các khoản vay tín dụng và kênh trái phiếu.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, Vietjet ghi nhận dư nợ trái phiếu là 10.650 tỷ đồng, tăng 27%. Trong đó, 1 lô trái phiếu 650 tỷ đồng lãi suất 7,78% đáo hạn vào năm 2023. 2 lô trái phiếu đáo hạn năm 2024, bao gồm 1 lô có giá trị 1.000 tỷ đồng lãi suất 9,2%/năm; 1 lô giá trị 4.000 tỷ đồng lãi suất 9,5%/năm. Ngoài ra, Vietjet còn có 4 lô trái phiếu với tổng giá 5.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn năm 2026. Điểm chung của các lô trái phiếu trên là đều không có tài sản đảm bảo, do Chứng khoán HDB là tổ chức tư vấn, đại lý phát hành cũng như đại lý thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Chứng khoán HDB cũng đóng vai trò là tổ chức sắp xếp cho các đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Sovico và CTCP Sovico. Theo dữ liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong năm 2021, Tập đoàn Sovico đã phát hành 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 6.000 tỷ còn CTCP Sovico phát hành 5 lô trái phiếu tổng giá trị 5.000 tỷ đồng trái phiếu. Tất cả các lô trái phiếu đều có lãi suất 10,5%/năm và phần lớn không tài sản đảm bảo.
Một pháp nhân khác nằm trong hệ sinh thái Sovico là CTCP Địa ốc Phú Long đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm, không có tài sản đảm bảo và sẽ đáo hạn trong tháng 3/2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận