Chứng khoán BOS làm ăn ra sao?
Giai đoạn 2017-2021, các chỉ tiêu kinh doanh của Chứng khoán BOS ghi nhận diễn biến trồi sụt. Riêng năm 2021, nhờ đánh giá lại các tài sản tài chính đã trích từ kỳ trước và doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế của công ty tăng gấp 24 lần lên 37 tỷ đồng.
Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết đã tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo thông tin ban đầu, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Chứng khoán BOS thành lập năm 2008 tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Artex. Năm 2011-2012, Chứng khoán Artex đổi thành Công ty CP Chứng khoán FLC (FLCS). Đến năm 2019, Chứng khoán FLC lại đổi thành Công ty CP Chứng khoán BOS, chính thức đưa hệ thống giao dịch phái sinh vào hoạt động, mã cổ phiếu niêm yết là ART.
Danh mục tự doanh của Chứng khoán BOS chủ yếu là cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC
Giai đoạn 2017-2021, các chỉ tiêu kinh doanh của Chứng khoán BOS ghi nhận diễn biến trồi sụt. Điển hình như năm 2017, doanh thu thuần của công ty đạt 154 tỷ đồng, lãi trước thuế tương ứng ở mức 106 tỷ đồng. Song đến năm 2020, doanh thu của BOS dù ghi nhận ở mức 151 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng, kéo theo tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân chỉ đạt 0,14%. Sang đến năm 2021, nhờ đánh giá lại các tài sản tài chính đã trích từ kỳ trước và doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán tăng mạnh, chỉ tiêu lợi nhuận của BOS đã tăng gấp 24 lần, lên mức 37 tỷ đồng. Qua đó hoàn thành 74% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Trong năm vừa qua, danh mục tự doanh của Chứng khoán BOS chủ yếu là cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC. Trong đó, cổ phiếu FLC giá trị mua theo sổ sách kế toán là 1,6 tỷ, chênh lệch đánh giá lại có lãi gấp đôi 1,9 tỷ đồng. Cổ phiếu HAI giá trị mua năm 2021 là 2,9 tỷ đồng, hiện đang lỗ 866 triệu đồng; cổ phiếu KLF giá trị mua 7,7 tỷ đồng hiện đang lỗ 613 triệu đồng và GAB giá trị mua 74 tỷ đồng hiện đang lãi đến 58,8 tỷ đồng.
Tổng giá trị mua danh mục các tài sản tài chính đạt 296,9 tỷ đồng và tính đến cuối năm 2021, các khoản đầu tư này có lãi 59,3 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của Chứng khoán BOS hiện ở mức 969,2 tỷ đồng, trong đó, bà Hương Trần Kiều Dung - chủ tịch HĐQT đồng thời là Phó chủ tịch Thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC, Chủ tịch FLC Faros nắm giữ 0,52% vốn. Ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ 3,26% vốn. Em gái ông Trịnh Văn Quyết là bà Trịnh Thị Thuý Nga giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Chứng khoán BOS. Đáng chú ý, vào tháng 6/2021, BOS đã đón một cổ đông lớn là bà La Mỹ Phượng (nắm giữ 6,19%).
Nữ cổ đông lớn của BOS La Mỹ Phượng cũng chính là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty 4 Oranges Co., Ltd - cái tên đứng sau những nhãn hiệu hàng đầu trên thị trường sơn Việt Nam như Mykolor, Spec, Sonboss, Expo...
Trên thị trường chứng khoán, mã ART đang giao dịch quanh mức 8.000 đồng/CP, tương ứng giảm 30% chỉ sau 4 phiên từ sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận