Chứng khoán 10/7: Một phiên “buông lái” của các trụ, VN-Index hòa vào sắc đỏ của chứng khoán châu Á
Các trụ không quay đầu nhưng vẫn giữ mức giảm nhẹ cho đến cuối phiên giao dịch. Và kết quả là phiên chiều đi ngang trong sắc đỏ, VN-Index đóng cửa ngay trên 871 điểm.
Theo sát các diễn biến của VHM, hoạt động tháo chạy của tiền lớn trong chiều nay vẫn chưa xuất hiện. Cổ phiếu này duy trì mức giảm khá "ổn định" và giữ giá ở quanh 80.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên ATC, giá đóng cửa VHM bị kéo nhẹ xuống 79.400 đồng/cổ phiếu với giao dịch chỉ hơn 100.000 đơn vị.
Trong khi đó, VNM (-0,5%), VIC (+0,4%), VCB (-1,1%) cũng được "kiểm soát" để tránh gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.
Kể cả khi SAB suy yếu rõ rệt, thị trường cũng không phải chịu áp lực nào quá lớn. VN-Index giảm điểm hôm nay có lẽ mang theo sự đồng thuận với chỉ số châu Á nhiều và một chút nào đó là từ thận trọng của nhà đầu tư trong nước. Chỉ số giảm 0,6% xuống 871,21 điểm trong khi đó các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc còn ghi nhận những mức giảm lớn hơn: NIKKEI giảm 1,06%, Shanghai (-1,95%), KOSPI (-0,81%).
Các nhà đầu tư ngoại hôm nay có lẽ là nguyên nhân chính khiến bên mua phải chùn tay. Tổng giá trị bán ròng đạt 162 tỷ đồng trong đó có cả VHM (-26,5 tỷ đồng) cũng bị bán ròng. Các mã lớn cũng bị khối ngoại xả ra là HPG (-51,7 tỷ đồng), VCB (-41,4 tỷ đồng), SAB (-19 tỷ đồng).
Các mã Midcap và Penny do đó đã không thể thoát được trạng thái gây khó chịu từ phiên sáng. Ngoài GEX (+4,7%), chỉ có DGW (+4,25%), GTN (+3%), FTS (+5,56%), VCI (+2,7%) CMX (+6,71%) bứt ra khỏi mặt bằng chung. Sự xuất hiện của VCI và FTS, đang cho thấy có một lượng tiền âm ỉ chảy về nhóm Chứng khoán. 2 mã đầu ngành Chứng khoán hôm nay là SSI (+0,6%), HCM (+0,3%) thực tế đều nhích nhẹ lên.
Về thanh khoản, nhà đầu tư có thể tạm yên tâm khi thị trường giảm điểm nhưng không có sự gia tăng đột biến của khối lượng giao dịch. Thậm chí, khối lượng hôm nay còn giảm đi khi chỉ có 291,11 triệu đơn vị, tương đương 4.840 tỷ đồng. Trong số này đã có 1.039 tỷ đồng thỏa thuận.
Trên HNX, nhóm tăng nóng vẫn còn các mã DST (+8,77%), THD (+9,9%). Còn các trụ như ACB (-1,23%), PVS (-0,8%) tiếp tục giảm nhẹ tới hết phiên. HNX-Index giảm 0,43% xuống 115,66 điểm. Thanh khoản sàn đạt 30,5 triệu đơn vị, tương đương 328 tỷ đồng.
Còn trên UPCoM, đây lại là một phiên "bất động" của nhiều mã như CTR (-0,2%), ACV (0%), QNS (+0,6%). Chỉ số UPCoM-Idnex tăng 0,16% lên 57,25 điểm. Thanh khoản sàn đạt 27,34 triệu đơn vị, tương đương 233,81 tỷ đồng.
Ít nhất chỉ số đã có 3 nhịp giật xuống trong sáng nay và ở nhịp giật xuống cuối phiên đang là nhịp kéo mạnh nhất. Tuy nhiên, xét về mức độ gây thiệt hại lên chỉ số, vẫn chưa thực sự đáng lo khi VN-Index mới chỉ để mất 3,32 điểm (-0,38%) xuống 873,14 điểm. Cần lưu ý rằng, ở phiên giao dịch trước VN-Index đã tăng gần 12 điểm nên sự điều chỉnh hiện tại cũng là rất nhỏ.
Một số trụ lớn như VHM (-1,36%), GAS (-0,8%), VCB (-1,08%) đang có sự lấn lướt hơn so với SAB (+2,4%). Trường hợp cần theo dõi nhất có lẽ là VHM khi đang giao dịch được gần 75 tỷ đồng và nếu VHM giảm mạnh mới thực sự xuất hiện lo ngại vể khả năng mất ngưỡng hỗ trợ 860 điểm.
Trong khi đó, với phần lớn thị trường chung, các giao dịch lình xình vẫn đang tiếp diễn. GEX (+5%) vẫn tăng khá tốt và còn có VCI (+3,11%), CMX (+3,51%) cũng đều tăng trên 3%.
Thanh khoản cả phiên sáng hiện đang ở mức trung bình với 160,82 triệu đơn vị, tương đương 2.393 tỷ đồng.
Còn trên HNX, trạng thái giao dịch vẫn chưa có chuyển biến mới. HNX-Index giảm 0,61% xuống 115,46 điểm. Thanh khoản sàn đạt 17,91 triệu đơn vị, tương đương 199 tỷ đồng.
Tại Mỹ, các cổ phiếu Công nghệ đã có phiên giao dịch đi ngược xu hướng chung. Cổ phiếu Amazon tăng đến 3% và vượt kỷ lục từ khi niêm yết. Các công ty khác như Microsoft, Apple hay Netflix cũng đều đột phá lên mức mới.
Chính vì vậy, chỉ số Nasdaq tăng 0,53% lên mức kỷ lục mới trong khi chỉ số Dow Jones giảm hơn 300 điểm, khoảng 1,39% còn chỉ số SP500 giảm 0,6%, mất 17,89 điểm.
Với một thị trường chứng khoán ít được dẫn dắt từ các cổ phiếu Công nghệ như Việt Nam, việc phải trải qua các nhịp điều chỉnh theo là hoàn toàn có thể xảy ra.
Sau 7 phiên tăng giá, SAB (+3,4%) vẫn đi lên chủ yếu nhờ bên bán đang tiết cung lại. Chính vì vậy, VN-Index đang phản ánh chưa sát diễn biến tâm lý thị trường khi đem ra so sánh với VN30. VN-Index tính đến 10h mới giảm 0,13% xuống 875,32 điểm trong khi VN30 đã giảm tới 0,4%.
Được biết, CTCK SSI đã công bố ước tính lợi nhuận của 39 doanh nghiệp, trong đó 24 sẽ có lợi nhuận quý II tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và 15 đơn vị giảm. Trong đó, SAB nằm trong nhóm 15 Công ty có lợi nhuận đi xuống. Điều này cho thấy, kỳ vọng tăng giá của SAB chủ yếu đến từ thông tin thoái vốn của Bộ Công thương.
Các mã Ngân hàng hiện tại đều đã chuyển sang sắc đỏ sau phiên chào đón cổ phiếu BVB lên UPCoM: BID (-0,6%), VCB (-1%), CTG (-0,6%), MBB (-0,9%). VPB (-0,4%), STB (-1,3%). Còn VNM (+0,1%), VHM (-0,6%), VIC (+0,3%) tiếp tục có những phản ứng hời hợt.
Cả thị trường chung do đó cũng đang vắng bóng các cổ phiếu "nóng". Những trường hợp khả quan nhất lúc này cũng chỉ có mức tăng từ 2% trở lên như GEX (+3,4%), HAG (+2,4%), SJS (+2,92%), DGW (+2,99%), CMX (+2,88%) và hiện tiền cũng đang trở nên rất rón rén.
Tại HNX, chỉ số HNX-Index cũng giảm xuống 115 điểm. Tuy nhiên, sàn vẫn còn lác đác một vài mã tăng mạnh như DST (+8,77%), THD (+10%), ACM (+12,5%) với quy mô giao dịch thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận