Chứng chỉ quỹ cũng “khóc ròng” với nâng lô
Hiệu quả của quỹ đầu tư không cao
“Hàng tháng, tôi đều để dành khoảng 3 triệu đồng để mua chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Trước đây, khi chưa nghẽn lệnh, việc thực hiện rất dễ dàng vì lô tối thiểu là 10. Từ tháng 1/2021, HOSE nâng lô giao dịch lên 100, có đôi chút bất tiện trong việc tích lũy chứng chỉ quỹ. Hiện tại, lãnh đạo HOSE đề xuất nâng lô lên 1.000, chắc tôi phải từ bỏ kế hoạch tiết kiệm tích lũy, vì 1.000 chứng chỉ quỹ FUEVFVND tương đương 20 triệu đồng, một số tiền quá lớn”, anh L.C, một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ tại group Cộng đồng nhà đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM).
Câu chuyện của nhà đầu tư L.C là suy nghĩ chung của các nhà đầu tư cá nhân, khi những đánh giá của nhà quản lý có phần xa rời thực tiễn.
Giải thích cơ sở cho giải pháp tăng lô giao dịch lên 1.000, lãnh đạo HOSE cho biết, đây là một trong những giải pháp mà Sở đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến các chuyên gia và đề xuất với cơ quan quản lý để đánh giá tác động cũng như tính hiệu quả.
Theo tính toán của HOSE, việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40 - 50% tổng số lượng lệnh giao dịch, nếu áp dụng riêng cho cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng/cổ phiếu thì sẽ giảm được hơn 20% số lượng lệnh, qua đó làm giảm áp lực lên hệ thống.
Ngoài ra, theo lý lẽ của HOSE, nâng lô giao dịch, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp - đây là xu hướng thường thấy tại các thị trường chứng khoán quốc tế, nhà đầu tư cá nhân ít khi mua/bán trực tiếp cổ phiếu.
Từ đó, gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường theo mục tiêu của Chính phủ. Việc này có ý nghĩa dài hạn đối với sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam lại khác.
Nhiều chứng chỉ quỹ được niêm yết như cổ phiếu, giao dịch theo lô và mức giá cũng phân loại tương tự cổ phiếu bluechip hay vốn hóa nhỏ. Đối với các chứng chỉ quỹ không niêm yết, nhà đầu tư có thể mua lẻ, nhưng không loại trừ quỹ có quy định mức đầu tư tối thiểu. Trở ngại này đối với nhà đầu tư cá nhân là không nhỏ.
Bên cạnh đó, chứng chỉ quỹ là một loại chứng khoán nên dĩ nhiên ẩn chứa rủi ro và mức độ rủi ro không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố chung của thị trường, mà còn ở doanh nghiệp quản lý quỹ.
Lợi nhuận hay hiệu quả của đầu tư vào quỹ hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhà đầu tư khi giao quyền quyết định cho người quản lý quỹ.
TS. Võ Đình Trí, Trường đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ, số liệu từ Eikon (Thomson Reuteurs) cho thấy, hiện có 47 quỹ niêm yết ở Việt Nam, số lượng quỹ có trên 5 năm tuổi là 19, trên 3 tuổi là 29 và trên 1 tuổi là 41. Số lượng quỹ như vậy so với tổng số cổ phiếu niêm yết chỉ vào khoảng 7%.
Tuy vậy, hiệu quả đầu tư của các quỹ có sự chênh lệch đáng kể. Nếu tính khung thời gian 3 năm trở lại đây, tỷ suất sinh lời trung bình của các quỹ niêm yết là 4,5%/năm, quỹ đạt mức cao nhất là 9%/năm, nhưng có quỹ thua lỗ.
Trong khi đó, nhà đầu tư góp vốn vào quỹ đầu tư phải chịu thuế thu nhập, chi phí quản lý cho công ty quản lý quỹ (khoảng 1% giá trị danh mục) và mất phí bán lại chứng chỉ quỹ (có thể lên tới hơn 1%). Cộng các khoản chi phí này, lợi nhuận thực nhận của nhà đầu tư thấp hơn so với tỷ suất đầu tư của quỹ.
Như vậy, tỷ suất sinh lời của các quỹ đầu tư so với lãi suất ngân hàng nhìn chung thấp hơn, trong khi các chi phí đi kèm là đáng kể.
“Việc nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 thực sự không phải là bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ khi có chủ ý uốn nắn họ từ đầu tư cổ phiếu sang đầu tư chứng chỉ quỹ. Thêm vào đó, ngành quỹ đầu tư chuyên nghiệp chỉ có thể phát triển khi có các chính sách phù hợp về thuế thu nhập cá nhân, luật chứng khoán và các quy định pháp luật thực sự bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân, vì một thị trường chứng khoán minh bạch và hiệu quả”, TS. Trí nói.
Ở các thị trường phát triển, quỹ đầu tư chuyên nghiệp phát triển được là nhờ có sự hỗ trợ đồng bộ của các chính sách khác nhau, đặc biệt là về thuế thu nhập cá nhân.
Rất nhiều nước có chương trình hưu trí bổ sung, người lao động đóng một phần vào quỹ hưu trí tự nguyện và bên sử dụng lao động bổ sung phần còn lại.
Phần đóng của người lao động được khấu trừ vào thu nhập cơ sở để tính thuế thu nhập cá nhân, có ấn định mức tối đa được giảm trừ. Yếu tố quan trọng khác là sự minh bạch, hiệu quả của thị trường và các quy định bảo vệ nhà đầu tư cá nhân chặt chẽ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận