Chưa nên cho người nước ngoài sở hữu căn hộ ven biển view triệu đô
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến cảnh báo của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, chưa nên cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch (condotel).
Không có “làn sóng” người nước ngoài mua nhà
HoREA vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM liên quan đến vấn đề về căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (tourist villa), nhà phố du lịch.
Theo thống kê sơ bộ về tình hình bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong 5 năm qua (2015-2020) của 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn, HoREA ước tính các giao dịch của 17 đơn vị này chiếm khoảng 70-80% thị phần nhà ở bán cho các cá nhân nước ngoài, số lượng căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong nửa thập niên qua trên phạm vi cả nước khoảng 14.800 - 16.000 căn.
Trong đó, top 5 doanh nghiệp dẫn đầu được nhiều người nước ngoài lựa chọn mua nhà với lượng giao dịch hơn 10.500 căn, chiếm 85,7% tổng số nhà đã bán cho người nước ngoài. TP HCM thu hút nhiều người nước ngoài mua nhà nhất, chiếm khoảng 80% tổng số giao dịch.
Đối chiếu với số liệu báo cáo thị trường bất động sản cả nước trong 10 năm (2009-2019) do Bộ Xây dựng công bố, có 5.000 dự án nhà ở với 3,77 triệu căn được xây dựng, bình quân mỗi chu kỳ 5 năm phát triển được khoảng 787.000 căn nhà. Nếu so sánh với số lượng 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua, mức tiêu thụ này chỉ chiếm tỷ lệ 2% tổng số nhà ở toàn thị trường. Trong đó, TP.HCM thu hút nhiều người nước ngoài mua nhà nhất, chiếm khoảng 80% tổng số người nước ngoài mua nhà tại nước ta.
Ghi nhận từ thực tế hiện nay, theo HoREA không có “làn sóng” người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 5 năm qua. Nhưng đã cho thấy những dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà chung cư cao cấp, hiện đại, có đầy đủ dịch vụ, tiện ích, an ninh an toàn, giao thông thuận tiện, thì mới thu hút được người nước ngoài lựa chọn cư trú hoặc mua nhà.
Cũng theo hiệp hội, các chủ đầu tư dự án nhà ở đã chấp hành nghiêm túc quy định giới hạn “trần” 30% số lượng căn hộ được bán cho người nước ngoài. Một số dự án đã đạt “trần” 30% thì người nước ngoài chuyển sang ký “Hợp đồng thuê mua nhà (leasing)” dài hạn 50 năm.
Không nên nới “trần”, chưa nên cho phép người nước ngoài sở hữu condotel
Vừa qua, trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn từ dịch bệnh, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một toà nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Nêu quan điểm về đề xuất này, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, không nên ảo tưởng sẽ có một làn sóng người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại Việt Nam thực tế cho thấy giao dịch nhà ở liên quan đến khối ngoại cũng chỉ chiếm 2%.
Theo Bộ Công an, việc mua bán căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (tourist villa), văn phòng văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) diễn ra rất phức tạp, nhiều địa phương không quản lý được hoặc buông lỏng, nhiều chủ đầu tư mở bán loại hình này khi chưa đủ điều kiện, rủi ro cho người mua.
Bên cạnh đó, phần lớn người Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản… thường lựa chọn thuê nhà. Người nước ngoài có xu hướng mua nhà thường đến từ một số nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore.
Hiệp hội cũng lưu ý, việc Bộ Quốc phòng đã cảnh báo về tình trạng một số người nước ngoài "mua chui" bất động sản, kể cả dùng thủ đoạn nhờ doanh nghiệp hoặc cá nhân người Việt đứng tên mua nhà tại một số địa điểm nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh.
Mới đây, Bộ Công an có báo cáo trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không phát triển thêm các dự án căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (tourist villa), văn phòng văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở.
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến cảnh báo của Bộ Quốc phòng và kiến nghị của Bộ Công an, HoREA đề nghị chưa cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, nhà phố du lịch. Người nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel, thì thực hiện theo phương thức đầu tư tài chính theo quy định của Luật Đầu tư.
Về giới hạn “trần” tỷ lệ nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu trong dự án, HoREA đề nghị vẫn giữ giới hạn “trần” số lượng nhà ở, mà người nước ngoài sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, không nên nới giới hạn “trần” này.
Hiệp hội cũng đề nghị giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ người nước ngoài được sở hữu nhà tại đơn vị hành chính cấp phường, để phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Trường hợp số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại một đơn vị hành chính cấp phường chiếm tỷ lệ khá lớn (có thề từ 20% trở lên), UBND cấp tỉnh phải báo cáo để Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tháng 5 vừa qua, trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp Quốc hội, Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, DN người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP tại các vị trí: dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà. Bộ Quốc phòng nhận định, để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức.
Thứ nhất, thành lập DN liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), DN sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, DN Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành DN; do tài sản góp vốn là đất nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.
Thứ hai, họ đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất, đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô...
Bộ Công an đề xuất không phát triển thêm dự án condotel
Trong tháng 7 vừa qua, nêu tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây về bất cập trong quy định pháp luật liên quan căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (tourist villa), văn phòng văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) ngoài việc chỉ ra những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (sổ hồng), Bộ Công an còn nêu lên những bất cập trong quy định về kinh doanh các loại hình này dẫn đến phức tạp, rủi ro cho người mua.
Theo Bộ Công an, việc mua bán các loại hình bất động sản này diễn ra rất phức tạp, nhiều địa phương không quản lý được hoặc buông lỏng, nhiều chủ đầu tư mở bán loại hình này khi chưa đủ điều kiện, rủi ro cho người mua, nhất là khi không thực hiện được cam kết với người mua đã phát sinh tranh chấp, phức tạp về an ninh trật tự.
Từ những bất cập trong quy định pháp luật, quản lý vận hành Bộ Công an đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc triển khai các dự án codotel, biệt thự du lịch, officetel tại một số địa phương phát triển nhiều loại hình bất động sản trên, phát hiện sai phạm đề xuất xử lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận