Chưa có phương án cụ thể về thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Theo đại diện Công ty cổ phần BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, thời điểm này, phía tỉnh Tiền Giang cũng vừa mới đề xuất xây trạm thu phí nhưng chưa được cơ quan cấp trên phê duyệt nên chưa có phương án cũng như mức thu phí cụ thể tuyến đường này.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, trước đây Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Doanh nghiệp dự án thống nhất đề xuất phương án sử dụng trạm thu phí cao tốc TP. HCM - Trung Lương để thu phí hoàn vốn cho cả cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Nếu phương án này được phê duyệt thì doanh nghiệp dự án không phải đầu tư thêm hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới trạm thu phí. Tuy nhiên, theo thông tin mới đây từ phía UBND tỉnh Tiền Giang, do chưa thông nhất được phương án thu phí toàn tuyến TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ nên UBND tỉnh Tiền Giang vừa đề xuất lên Bộ GTVT phương án xây trạm thu phí mới trên tuyến chính.
Sau khi được Bộ GTVT chấp thuận thì thời gian triển khai xây trạm thu phí cũng phải mất khoảng 6 tháng mới có thể đi vào vận hành, trong khi dự án này dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 4 năm nay.
Theo dự thảo phương án thu phí tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được xây dựng trước đây, mức thu phí sử dụng đường bộ tạm thời tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được chia theo 5 nhóm xe. Cụ thể, ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt phải trả 2.100 đồng mỗi km, tương đương 110.000 đồng cho cả tuyến 51km.
Nhóm chịu phí đắt nhất là xe tải 18 tấn trở lên, với mức giá 8.400 đồng mỗi km (khoảng 430.000 đồng cho cả tuyến). Ô tô trên 12 chỗ, xe tải trên 2 tấn… có mức phí tương tự là 3.000 đồng, 3.700 đồng và 6.000 đồng mỗi km.
Theo lộ trình tăng giá được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cứ 3 năm doanh nghiệp dự án được điều chỉnh tăng giá vé thu phí nhưng không vượt quá 15%.
Thời gian thu phí hoàn vốn thể hiện trong báo cáo nguồn vốn tín dụng là 14 năm 8 tháng 12 ngày.
Doanh nghiệp dự án cũng đề xuất 2 phương án, cụ thể: Phương án 1 là sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng và thay mới hệ thống thiết bị thu phí các trạm thu phí của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương để thực hiện chức năng kiểm soát đầu vào (hướng TP.HCM đi Mỹ Thuận) và đầu ra (hướng Mỹ Thuận đi TP.HCM), phương án này không phải tốn chi phí giải phóng mặt bằng đầu tư mới trạm thu phí.
Phương án 2 là xây dựng trạm thu phí mới tại điểm đầu và điểm cuối của dự án, với phương án này cần phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, thời gian triển khai và thi công khoảng 6 tháng.
Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51,5 km, tổng vốn đầu tư dự án được phê duyệt 12.668 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỷ đồng, 4 ngân hàng Vietinbank, BIDV, Agribank, VPBank tài trợ 6.686 tỷ đồng, còn lại vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác cam kết của Doanh nghiệp dự án.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chính thức được thông xe kỹ thuật vào ngày 19/1 vừa qua và cho xe lưu thông tạm hai chiều từ ngày 25/1 đến 10/2, tức từ ngày 23/12 đến 10/1 âm lịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận