'Chưa có cây thay thế, song người trồng lúa miền Tây khó giàu'
Trong hai thập niên tới, chưa có cây trồng nào thay thế được lúa ở các tỉnh miền Tây, song nông dân khó giàu từ giống cây chủ đạo này, theo TS Đặng Kiều Nhân.
Ý kiến được TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, nêu ra tai hội thảo Hội thảo phát triển Đồng bằng sông Cửu Long giải pháp từ cây lúa, tổ chức tại Đồng Tháp, ngày 18/11. Hiện, các tỉnh miền Tây sản xuất 24 triệu tấn mỗi năm, chiếm hơn 50% sản lượng cả nước và 90% sản lượng gạo xuất khẩu.
Theo TS Nhân, trồng lúa tại miền Tây có nhiều lợi thế từ điều kiện tự nhiên, hệ thống thuỷ lợi, nông dân canh tác giỏi, dịch vụ chế biến lúa gạo tốt hơn các ngành hàng chủ lực khác, cơ giới hoá khá hoàn chỉnh... Hiện, một nông dân có thể quản lý hàng chục ha lúa, thuê mướn lao động rất ít.
"Tuy nhiên phần lớn mô hình trồng lúa đang manh mún, nhỏ lẻ khó thu hút được doanh nghiệp đầu tư, không thể đưa nông sản ra thị trường với quy mô lớn", ông Nhân nói và cho biết nông dân miền Tây khó giàu từ trồng lúa.
Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân cho biết sau 32 năm xuất khẩu, gạo Việt Nam nằm trong top 3 thế giới. Nông dân mang rạng rỡ về cho đất nước song "túi tiền của họ còn xẹp". Người trồng lúa chi rất nhiều tiền cho phân bón hoá học trong khi việc này lại gây ra nhiều sâu bệnh khiến chi phí sản xuất tăng. Điều cần làm bây giờ phải hạ giá thành sản xuất góp phần tăng thu nhập nông dân.
Ở góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng nông dân trồng lúa nghèo vì diện tích canh tác trên một hộ quá thấp. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu trồng lúa dưới 5.000 m2 là lỗ, nhưng một nông dân An Giang sở hữu trung bình 3.800 m2.
Ngoài ra, ông Thư cho rằng cần thay đổi tư duy nông dân khi còn chạy theo sản lượng, năng suất, chứ chưa thực sự hiểu sản xuất với sản lượng tương đối nhưng hiệu quả, thu nhập cao nhất. Bên cạnh đó nông dân miền Tây cần tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp tăng thu nhập.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói trong nhiều năm ngành lúa gạo chạy theo tư duy "lấy sản lượng làm mục tiêu", từ đó làm mọi giải pháp để tăng sản lượng. Song điều đó không đồng nghĩa giúp người dân tăng thu nhập, thậm chí ngược lại.
"Chúng ta phải tổ chức thành hệ sinh thái ngành hàng, có sự tham gia các nhà khoa học, các viện, trường và hợp tác xã tới người nông dân, rồi chính quyền địa phương vào cuộc", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và nhấn mạnh chuỗi sinh thái này để nâng cao hình ảnh, giá trị lúa gạo miền Tây.
Theo dữ liệu gần nhất của Ngân hàng Thế giới, giá trị gia tăng trung bình của một nông dân miền Tây mỗi năm là 2.917 USD. Con số này thấp hơn Thái Lan (3.217 USD), Indonesia (3.601 USD) chưa nói đến Trung Quốc (5.609 USD) hay Hàn Quốc (20.572 USD).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận