menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hoàng Thang

Chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào bán thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử được Bộ trưởng Công Thương thừa nhận còn nhiều khoảng trống pháp lý và đến nay Việt Nam chưa cấp phép cho đơn vị nào bán mặt hàng này.

Chiều 4/6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lần thứ hai đăng đàn trả lời chất trước Quốc hội, kể từ khi nhậm chức năm 2022.

Trong 2,5 giờ, Bộ trưởng Diên đã trả lời 26 câu hỏi của các đại biểu liên quan tới quản lý kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; phát triển công nghiệp hỗ trợ, giải pháp quản lý thuốc lá điện tử...

Chưa doanh nghiệp nào được cấp phép kinh doanh thuốc lá điện tử

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lam, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đề cập vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được thừa nhận ở Việt Nam song được bán tràn lan trên thị trường. Loại thuốc lá này gây ảnh hưởng đến sức khỏe đến người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Theo bà Lam, các sản phẩm thuốc lá điện tử trên thị trường hiện nay là hàng nhập lậu, chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bà đề nghị Bộ trưởng Diên cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương trong quản lý thị trường và cam kết của Bộ trưởng về vấn đề này.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được điều chỉnh bởi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong khi đó, thuốc lá điện tử, nung nóng là loại thuốc lá thế hệ mới, chưa được điều chỉnh trong luật nên thời gian qua có khoảng trống pháp lý lớn.

Theo ông Diên, Bộ Công Thương chưa cấp phép kinh doanh thuốc lá thế hệ mới cho bất kể đơn vị nào. Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương đấu tranh, thu giữ nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt cùng các bộ ngành, do Bộ Y tế chủ trì, để ban hành chính sách rõ ràng hơn trong quản lý thuốc lá điện tử nhằm lấp khoảng trống pháp lý. Theo ông Diên, việc ngăn chặn thuốc lá điện tử phải ngay từ biên giới, trong các trường học, đề cao công tác tuyên truyền và đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước.

Tại phiên thảo luận hôm 30/5, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng "phản ứng chính sách với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chậm, khi mặt hàng này xuất hiện ngày càng tăng trên thị trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân, nhất là giới trẻ". Họ đề nghị sửa ngay Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, để quản lý mặt hàng này.

Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là sản phẩm thế hệ mới, vận hành bằng cách làm nóng dung dịch các chất chứa nicotine hoặc hương vị, thường hòa tan thành propylene glycol hoặc glycerine. Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong khí/khói tạo ra. Loại này không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, hóa chất nên không phải là thuốc lá theo định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Kết quả điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế cho thấy loại thuốc lá này gây nghiện do có chứa nicotine; gây các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, gây tổn thương phổi cấp, ngộ độc và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.

Việt Nam ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, nung nóng. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Năm 2023, hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên.

Lúng túng quản lý livestream bán hàng online

Thương mại điện tử, kinh doanh online phát triển nở rộ thời gian qua, thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đặt vấn đề hoạt động này bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, kinh doanh hàng cấm, hàng giả. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi về quy mô, địa bàn hoạt động.

Ông Nguyễn Minh Hoàng (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP HCM) chất vấn, Bộ có giải pháp nào để phát triển thương mại điện tử lành mạnh và việc thu thuế trên thương mại điện tử, mạng xã hội sẽ thế nào.

Trong khi đó, ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nêu thời gian qua có hiện tượng livestream bán hàng trên mạng xã hội, doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày. Ông đề nghị Bộ trưởng Diên cho biết thông tin này đúng hay không?

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đối mặt 3 thách thức trong thương mại điện tử. Theo đó, người tiêu dùng đối diện nguy cơ mất an toàn dữ liệu cá nhân, hàng giả, hàng kém chất lượng và thất thu thuế.

"Có tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân, thất thu thuế trong kinh doanh online", ông nói.

Theo ông Diên, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn, trong đó đưa ra quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Ông hy vọng khi luật này có hiệu lực từ 1/7, sẽ khắc phục bất cập này.

Cùng đó, Bộ này phối hợp cùng với các bộ, ngành yêu cầu sàn thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin người tiêu dùng.

Để tránh thất thu thuế, ngành Công Thương phối hợp với tài chính, tham mưu Chính phủ bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng) - vốn không chịu thuế theo quy định hiện hành. Trong khi theo khảo sát của cơ quan này, 4 sàn thương mại điện tử lớn đang hoạt động tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 1 tỷ USD hàng nhập khẩu giá trị nhỏ qua đây.

"Bộ sẽ tham mưu Chính phủ xem xét miễn thuế VAT với hàng giá trị nhỏ, để tránh nhập khẩu qua thương mại điên tử, cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế", ông thông tin.

Không dưới hai lần, phần trả lời của Bộ trưởng Diên được đánh giá "chưa trúng trọng tâm câu hỏi", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc nhở ông "trả lời thẳng, trúng vấn đề".

Hà Nội, TP HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu thuế sàn thương mại điện tử

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua đã "rất quyết liệt" trong thu thuế của sàn giao dịch thương mại điện tử. Để làm được việc này, Bộ đã mở cổng thông tin điện tử về sàn xuyên biên giới để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Số thuế thu từ kênh bán online đạt 83.000 tỷ đồng vào 2022, tăng lên 97.000 tỷ trong năm ngoái. Và 5 tháng đầu năm nay thu được 50.000 tỷ đồng.

Theo ông Phớc, hiện có 96 nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google, Tiktok đã đăng ký và nộp thuế ở cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử. Hiện, các tập đoàn lớn này đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử.

Sắp tới, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành giao cơ quan thuế thu thuế qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, nhà chức trách tập chung chính ở Hà Nội và TP HCM.

Giải pháp nữa được Bộ trưởng Công Thương đưa ra để bảo vệ người mua trên sàn thương mại điện tử trước vấn nạn hàng giả, nhái là "buộc người bán online phải đăng ký định danh tài khoản". Năm ngoái, trên 6.200 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm được lực lượng chức năng gỡ bỏ, khóa. Lực lượng quản lý thị trường của Bộ đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt vi phạm 12 tỷ đồng.

'Hội nhập thành công không đếm bằng số hiệp định đã ký'

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Bình Dương) đặt vấn đề vè chiến lược nào để Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký, thu hút vốn ngoại.

Bộ trưởng Diên nói để hội nhập thành công, không đo đếm bằng các hiệp định ký là bao nhiêu hay có bao nhiêu vốn, bao nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sản xuất cung ứng toàn cầu được bao nhiêu, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do là bao nhiêu.

Hiện, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 đối tác. Ông DIên cho rằng "con người là yếu tố quan trọng để khai thác hiệu quả các FTA". Ông đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương có kế hoạch, chiến lược tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định pháp luật quốc tế, các hiệp định thương mại tự do.

Về phía doanh nghiệp, ông nói cần nâng sức khỏe doanh nghiệp trong nước và có cơ chế để chỉ thu hút đầu tư với các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, quản trị tốt. Bên cạnh đó, ông Diên cho rằng chỉ nên ưu tiên doanh nghiệp có cam kết lan tỏa, hợp tác với doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển.

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương chiều nay, còn 6 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và hai tranh luận chưa được trả lời. Phần này sẽ được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm rõ vào phiên chất vấn sáng mai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả