24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tywin Lannister
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chủ tịch VITAS: Nếu không “sản xuất xanh”, DN dệt may sẽ mất đơn hàng

Trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang từng bước chuyển đổi công nghệ sản xuất bằng năng lượng sạch.

Ngày 18/3, bên lề Hội thảo Năng lượng tái tạo – Nguồn năng lượng sạch và bền vững cho ngành dệt may Việt Nam, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

“Xanh hóa” sản xuất dệt may, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế

Thưa ông, vì sao ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi sản xuất bằng năng lượng sạch?

Đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” như: Thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, từ đó đã đặt ra 4 vấn đề đối với ngành dệt may Việt Nam. Một là, đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của mục tiêu mà COP 26 đề ra đối với Việt Nam. Hai là, các điều khoản trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia

Ba là, yêu cầu của các nhãn hàng khi Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ra thế giới. Cuối cùng, việc cam kết với người tiêu dùng toàn cầu về sự minh bạch, tính an toàn của sản phẩm dệt may, không phải chỉ cho thị trường nội địa mà còn có thị trường xuất khẩu toàn cầu.

Công cuộc chuyển đổi sản xuất của ngành dệt may Việt Nam bằng nguồn năng lượng sách cần nhận thức của con người từ cấp quản trị doanh nghiệp, người tiêu dùng và người vận hành hệ thống sản xuất công nghiệp dệt may. Nguyên tắc đảm bảo minh bạch, rõ ràng khi thực hiện cam kết phải đi đôi với giải pháp cụ thể.

Hiện tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho các giải pháp phát triển bền vững, đáp ứng khoảng 60% yêu cầu của các nhãn hàng và dự kiến tăng lên mức 80% vào năm năm 2022-2023.

Chủ tịch VITAS: Nếu không “sản xuất xanh”, DN dệt may sẽ mất đơn hàng
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khẳng định, doanh nghiệp ngành dệt may cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững, đám ứng tiêu chuẩn về môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.

Để thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chính sách hỗ trợ ra sao, thưa ông?

Rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp là khoản đầu tư lớn khi đầu tư máy móc, công nghệ. Tuy nhiên, không phải vì thấy khó mà dừng lại. Nếu để mất khách hàng thì doanh nghiệp sẽ không thể duy trì hoạt động nên, chuyển đổi theo hướng “xanh hóa” là vấn đề cấp bách của các doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, giải pháp mang tính then chốt là nguồn tài chính đầu tư cho vấn đề này như thế nào. Ngành dệt may Việt Nam sẽ phải nỗ lực từ nguồn tài chính hiện có, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế cùng tham gia đồng hành với Chính phủ Việt Nam về cam kết của Việt Nam với thế giới.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng dành khoản ngân quỹ, đồng hành và cam kết cho sự phát triển hạ tầng, công nghệ, thiết bị và nguồn lực con người để vận hành giải pháp cho nền công nghiệp dệt may Việt Nam phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các loại hóa chất sử dụng trong ngành công nghiệp dệt may phải giảm tối đa hoặc không ảnh hưởng đến môi trường, người tiêu dùng mà điều này cần sự đồng hành của nhà sản xuất hóa chất, thuốc nhuộm cũng như kỹ thuật, công nghệ.

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng còn rủi ro

Hiện nay là thời điểm sắp kết thúc quý I/2022, ông có đánh giá ra sao về thách thức của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới?

Doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ hay dịch bệnh khiến tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động trở thành vấn đề nan giải.

Thời điểm này, giá nhiên liệu tăng kéo theo chi phí vận tải tăng cao, đồng thời tình trạng thiếu container vẫn là nút thắt lớn cần tháo gỡ. Chúng tôi dự báo phải đến nửa cuối năm 2022, khi số lượng container đóng mới được cung cấp ra thị trường vấn đề vận tải mới bắt đầu được giải quyết và logistics tiếp tục là những khó khăn tác động không nhỏ đến xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng.

Hơn nữa, giá sợi bông và sản lượng sản xuất sẽ tăng trong nửa đầu năm nay, nhưng biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất sợi bông có thể sẽ điều chỉnh trong nửa cuối năm. Do đó, ước tính hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc sẽ có biên lợi nhuận gộp của năm 2022 sẽ giảm so với năm 2021 do chi phí vải đầu vào cao trong 6 tháng đầu năm nay.

Chủ tịch VITAS: Nếu không “sản xuất xanh”, DN dệt may sẽ mất đơn hàng
Ngành dệt may Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trước khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức.

Riêng với thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành dệt may ghi nhận tình hình ra sao, thưa ông?

Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Do đó, năm 2022, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt 42,4-43 tỷ USD.

Tuy nhiên, rủi ro mà xuất khẩu dệt may Việt Nam phải đối mặt là sự phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm. Hiện, xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào 2 thị trường chính là Trung Quốc, chiếm khoảng 71% xuất khẩu mặt hàng sợi và Mỹ, chiếm 56% xuất khẩu hàng may mặc, thời trang. Vì thế, bất kỳ thay đổi nào ở 2 thị trường này cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành dệt may Việt Nam.

Cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả