Chủ tịch TP.HCM nói về vấn đề Ngân hàng SCB, thiếu xăng ở ‘đầu tàu kinh tế’
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, việc thiếu xăng đe dọa an ninh năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh.
Đầu tàu kinh tế, sao lại để thiếu xăng?
Sáng 22/10, thảo luận tại tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM - nêu một số vấn đề cần Trung ương nhận diện và có giải pháp. Ông Mãi dẫn chứng một số vụ việc xảy ra gần đây, như vụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hay tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.
Theo ông Mãi, vụ việc SCB tác động đến TP.HCM rất lớn. SCB không chỉ tác động đến an ninh ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thực hiện các dự án…
Đề cập tới vấn đề thiếu xăng, ông Mãi nói “không phải là chuyện nhỏ”. Việc thiếu xăng không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân mà ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng hóa, đe dọa an ninh năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ổn định vĩ mô.
“Tại sao cả nước chỉ có TP.HCM là tình hình xăng dầu phức tạp nhất? Phải chăng khâu điều phối, dự trữ xăng dầu, an ninh năng lượng chưa tương xứng với TP.HCM - đầu tàu kinh tế cả nước, cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?”, ông Mãi nêu vấn đề.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. |
Chủ tịch TP.HCM đề nghị cần có giải pháp về vấn đề xăng dầu, có cơ chế, chính sách đầu tư cho dự trữ xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là ở TP.HCM và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, trong đó có thể tính đến các hình thức dự trữ mới.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Chính phủ xử lý tốt vấn đề trái phiếu, coi đó là vấn đề cấp bách từ nay đến cuối năm và năm sau. Tín dụng ngân hàng phải giám sát, lọc được dòng vốn, phải để chảy vào sản xuất kinh doanh chứ không phải để đảo nợ.
Bệnh viện như ngồi “trên lửa” vì đấu thầu, mua sắm
Liên quan đến việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - than “vẫn chưa có thay đổi nào về chính sách”. Các bệnh viện, nhân viên y tế tiếp tục loay hoay không biết mua sắm, đấu thầu thế nào cho đúng, khiến thời gian làm chuyên môn giảm.
Ông Thức dẫn chứng, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi dùng các máy cao cấp như máy xạ trị, CT thì phải mua của các hãng độc quyền. Các linh kiện kèm theo máy cũng do hãng đó độc quyền. Một bóng đèn dùng trong máy CT khoảng 3- 4 tháng là hỏng, phải thay, nhưng vì máy độc quyền của một hãng nên khi thay bóng đèn buộc phải mua đúng loại của hãng đó mới sử dụng được. Tuy nhiên, nếu ghi rõ là mua bóng đèn của hãng cụ thể thì sẽ bị coi là vi phạm, bởi đây là chỉ định thầu.
"Quy định khi đấu thấu phải tham khảo ba gói giá. Nhưng khi mua máy cao cấp, chỉ có một hãng độc quyền “thì lấy đâu ra gói giá khác để tham khảo”, ông Thức nói và cho biết “rất bế tắc vấn đề này”.
Đánh giá đây là vấn đề khẩn thiết, ông Thức đề nghị các đại biểu có ý kiến để các bệnh viện sớm có cơ chế sửa chữa được máy móc cao cấp khi hư hỏng. “Anh em Bệnh viện Chợ Rẫy như ngồi trên lửa vì máy CT hỏng mà không biết làm sao để mua thiết bị thay được”, ông nói.
Trong giai đoạn cấp bách hiện nay, ông Thức đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ra Nghị quyết giải quyết tức thì các vấn đề của ngành y trong khi chờ sửa các luật. Cùng chung quan điểm, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đề xuất, Quốc hội cần có Nghị quyết giải quyết các vấn đề cấp bách về đấu thầu trong y tế và hàng loạt vấn đề của ngành này.
Văn Kiên
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận