24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Quang Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chủ tịch TP HCM đề nghị trang bị trực thăng, robot chữa cháy

Ông Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư cho phòng cháy chữa cháy, như trang bị trực thăng hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy.

Sáng 12/9, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Phòng cháy chữa cháy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi gửi đến Thủ tướng và Trung ương ba kiến nghị. Đó là hoàn thiện thể chế, quy định trách nhiệm chủ trì, phối hợp, chế tài của các bên liên quan; các quy định, quy chuẩn; và khắc phục điểm chồng chéo.

Theo ông Mãi, cần phải có cơ chế phối hợp lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tổ chức diễn tập hàng năm. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác.

"Nếu chúng ta không làm tốt hiệp đồng, không diễn tập, không trang bị thì thiệt hại rất lớn, đặc biệt là với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam", ông nói.

Chủ tịch TP HCM cho biết, từ 1/8/2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra gần 3.500 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và sự cố, tai nạn. Tám tháng đầu năm 2022, TP HCM có 122 vụ, trong đó có bốn vụ lớn, bốn vụ nghiêm trọng và làm chết hai người, bị thương 12 người.

Thành phố đã củng cố 17 đội phòng cháy chữa cháy với 150 thành viên, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư lớn, chuyên ngành xăng dầu ở các tổng kho. Sắp tới, thành phố sẽ tách đội cứu hộ, cứu nạn khỏi phòng cháy, chữa cháy; triển khai phòng cháy chữa cháy cho các công trình ngầm, metro. "Chúng tôi sẽ trình phương án, rất mong Bộ Công an có hướng dẫn và khung pháp lý thời gian tới", ông Mãi nói.

Ông cũng đề nghị xem xét, bổ sung công việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm để có chính sách xứng đáng.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, thực tiễn cho thấy vai trò của lực lượng dân phòng trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ rất quan trọng. Lực lượng này được đầu tư, hoạt động hiệu quả sẽ giảm số vụ cháy, dập kịp thời đám cháy ngay khi mới phát sinh, không để lan lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thành phố đã lập hơn 5.300 đội dân phòng, tổng số 46.000 người. Các đội được trang bị phương tiện như bình chữa cháy, đèn pin, búa, rìu, xè beng, búa tạ. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa đủ theo quy định, nhất là quần áo, găng tay, mũ, ủng, mặt nạ phòng độc.

"Lực lượng dân phòng tham gia phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn là cánh tay nối dài của thành phố và công an cấp xã trong đảm bảo an toàn, nhất là với khu dân cư, hộ gia đình", ông Sơn nói.

Ngoài ra, lực lượng này cũng hỗ trợ cảnh sát và hướng dẫn người dân thoát nạn trong các vụ việc đơn giản; di chuyển và bảo vệ tài sản; đảm bảo an ninh trật tự trong chữa cháy. Các vụ cứu nạn người mắc kẹt trong đám cháy, trên các tầng cao, dưới nước, sập đổ cấu kiện, công trình sẽ do lực lượng chuyên nghiệp thực hiện.

Lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở để huy động quần chúng, lực lượng bán chuyên trách tham gia; đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi quy định về cứu hộ cứu nạn để phù hợp với mô hình mới sau khi sáp nhập cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn vào công an các tỉnh, thành.

Theo ông Sơn, sau vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương, thành phố đã tổng kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Hà Nội hiện có 1.400 cơ sở dịch vụ này hoạt động; 326 trường hợp đã bị đình chỉ.

Chủ tịch TP HCM đề nghị trang bị trực thăng, robot chữa cháy
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Trước đó, khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn ra với tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy chung cư cao tầng, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là quán karaoke. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8 làm ba chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến ba mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9 làm nhiều người chết...

"Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình khẩn cấp, đặt ra nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới trong phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người", Thủ tướng nói.

Ông chỉ ra, Việt Nam đang trong quá trình phát triển, cơ sở hạ tầng, công trình ngày càng nhiều; nhu cầu sử dụng năng lượng hóa chất lớn dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Nhưng nhận thức, thói quen phòng cháy của người dân còn hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó chưa cao; thực thi pháp luật và quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn còn bất cập.

Lãnh đạo Chính phủ nói, việc quy hoạch phải đảm bảo khi sự cố xảy ra thì các phương tiện chữa cháy tiếp cận được nhanh chóng. Nhiều vụ cháy xảy ra do chập điện, vậy quy định như thế nào về quản lý từ công tơ điện tới cơ sở, gia đình sử dụng điện? Ông yêu cầu sau hội nghị này phải có sự chuyển biến thực chất trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả