Chủ tịch Thủy sản Minh Phú: Việt Nam sẽ thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, để Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, chế biến tôm số 1 thế giới cần sự chấp thuận và ủng hộ của Nhà nước và đề xuất chính quyền các cấp tạo ra các hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách thông thoáng.
Tại buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045” chiều 6/3, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản, đặc biệt là tôm, đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.
Theo ông Quang, "Vua tôm" Minh Phú đã xây dựng kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoà và cân bằng carbon, sẽ được triển khai xây dựng với các hình mô hình chính.
Cụ thể, khu phức hợp nuôi Tôm công nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn được quản lý bằng ứng dụng di động thông minh (Mobile app) - Khu phức họp nuôi tôm sú quảng canh tuần hoàn vừa sức tải của môi trường - Khu phức hợp nuôi tôm sú rừng đước hữu cơ, tuần hoàn vừa sức tải của môi trường - Khu phức họp nuôi tôm sú-lúa hữu cơ (2 vụ tôm sú + 1 vụ lúa chung với tôm càng) tuần hoàn vừa sức tải của môi trường.
Đặc biệt, Minh Phú đã kết hợp công nghệ AI và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) quản lý nuôi tôm, được thiết kế riêng cho từng đối tượng người dùng.
Ứng dụng cho phép người nông dân, kỹ sư, nhà quản lý, người thu mua, nhà máy sản xuất, các đơn vị tài chính như ngân hàng, bảo hiểm,... truy cập vào cơ sở dữ liệu và nhận được thông tin về tình hình nuôi trồng theo thời gian thực; giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu chi phí sản xuất cho cả chuỗi giá trị.
Theo phân tích và đánh giá, các mô hình khu phức hợp nuôi tôm này là giải pháp tiềm năng và khả thi nhất để mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu lao động; nâng cao GDP bình quân đầu người của khu vực; đóng góp lớn vào nguồn ngân sách Nhà nước; góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo kinh tế - xã hội, và tương lai phát triển của khu vực duyên hải các tỉnh từ Kiên Giang đến Ninh Thuận.
“Và đặc biệt là sẽ biến Việt Nam thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045”, ông Lê Văn Quang tin tưởng.
Để thực hiện được điều này, ông Quang cho rằng cần sự chấp thuận và ủng hộ của Nhà nước và đề xuất chính quyền các cấp tạo ra các hành lang pháp lý cũng như các cơ chế, chính sách thông thoáng để các dự án được triển khai trong thời gian nhanh nhất có thể.
Cụ thể, doanh nghiệp được tiếp cận và giải ngân vay ưu đãi các nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Chính phủ; được tiếp cận và vay các nguồn vốn từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài.
Các dự án triển khai được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong các năm tiếp theo của dự án.
Cán bộ công nhân viên và dân cư trong vùng dự án hưởng thuế suất thu nhập cá nhân là 15% trên tổng thu nhập của họ. Nhà nước quy hoạch và đầu tư các công trình cấp nguồn nước biển sạch xa bờ cho các vùng nuôi tôm lớn để đảm bảo nguồn cung tôm sạch xuất khẩu.
“Nếu có được những sự hỗ trợ trên, chúng tôi tự tin rằng chuỗi giá trị tôm này sẽ thu hút được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ nhiều nguồn lực khác nhau... để cùng xây dựng một hệ sinh thái tôm hoàn chỉnh, bền vững, và thành công”, ông Lê Văn Quang nói.
Mới đây, HĐQT Thủy sản Minh Phú đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến Thủy sản Minh Phát tại Khu công nghiệp Khánh An (tỉnh Cà Mau) với quy mô công suất 30.000 tấn thành phẩm/năm, ước tính chi phí đầu tư 1.000 tỷ đồng. Dự kiến khởi công vào tháng 5/2021 và đưa nhà máy vào hoạt động tháng 5/2022.
Thủy sản Minh Phú cũng thông báo đã thông qua tăng vốn cho Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang theo đó MPC sẽ góp thêm 398,4 tỷ đồng để nâng tỷ lệ vốn góp tại công ty này lên 99,89% và vốn điều lệ sau khi góp thêm là 1.217,05 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, năm 2020, Minh Phú là một trong số ít doanh nghiệp thủy sản ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực giữa đại dịch COVID-19, với doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.334 tỷ đồng giảm 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đạt 705 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận