Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Hạnh chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng
Cơ quan chức năng xác định, Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Mỹ Hạnh đã thu tiền của hàng nghìn cá nhân (nhà đầu tư) với tổng số tiền hơn 1,200 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng đã làm rõ Hạnh chiếm đoạt số tiền hơn 600 tỷ đồng.
Phạm Mỹ Hạnh – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Mỹ Hạnh.
Ngày 12/11, Công an Hà Nội cho biết, bị can Phạm Mỹ Hạnh (43 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Hạnh) đã dùng thủ đoạn huy động vốn bằng hình thức đa cấp.
Bước đầu điều tra, cơ quan chức năng xác định, Phạm Mỹ Hạnh đã thu tiền của hàng ngàn cá nhân (nhà đầu tư) với tổng số tiền hơn 1,200 tỷ đồng. Hạnh sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho chính các nhà đầu tư, lấy tiền của người góp vốn sau trả tiền gốc và lãi cho người đã góp vốn trước.
Cơ quan chức năng cũng đã làm rõ Hạnh chiếm đoạt số tiền hơn 600 tỷ đồng. Số còn lại, bị can Hạnh dùng để chi tiêu cá nhân, mua bất động sản. Ngoài ra, còn một lượng tiền khác Hạnh và công ty đã sử dụng nhưng chưa giải trình được mục đích.
Thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Mỹ Hạnh.
Theo tài liệu điều tra, từ tháng 10/2020-11/2022, Phạm Mỹ Hạnh quảng cáo công ty đang thực hiện dự án trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam; kêu gọi nhà đầu tư nộp tiền góp vốn, hứa hẹn trả lãi suất 24-48%/năm.
Làm việc với các nhà đầu tư, Công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh đưa ra 3 loại hợp đồng: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, Hợp đồng vay vốn và Hợp đồng bán cổ phần của Hạnh trong công ty.
Tuy nhiên, sau khi điều tra, cơ quan chức năng xác định công ty này không có dự án đầu tư nào.
Nguồn tiền từ huy động vốn nêu trên không được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, không hạch toán tài chính doanh nghiệp mà chuyển riêng vào tài khoản của Hạnh.
Công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh đã "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh; "vẽ" ra các kịch bản, kỳ vọng với doanh nghiệp không đúng thực tế; tự ý thay đổi, nâng giá trị doanh nghiệp để đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều so với hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hơn 1,200 tỷ đồng huy động được, Hạnh chỉ dùng khoảng 1% để sản xuất kinh doanh.
Công an cũng đề nghị các bị hại, nhà đầu tư thời gian tới sẽ hợp tác với cơ quan công an trong việc tố giác hành vi của Hạnh để Công an quận Cầu Giấy làm rõ phạm vi, quy mô, tính chất phạm tội của bị can, đồng thời đảm bảo quyền lợi của nạn nhân.
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp tác, dòng tiền ứng, nhận với Phạm Mỹ Hạnh trong các giao dịch dân sự, cần hợp tác với cơ quan điều tra để thu hồi tiền. Cơ quan chức năng xác định số tiền này cũng là tiền Hạnh đã chiếm đoạt bất hợp pháp trong vụ án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận