Chủ tịch Quốc hội: "Đừng có lập quỹ cho bằng được, lấy tiền lãi từ gửi ngân hàng để nuôi bộ máy quản lý"
"Đừng có lập quỹ cho bằng được, rót một phần ngân sách vào rồi cứ để đấy, lấy tiền lãi từ gửi ngân hàng để nuôi bộ máy quản lý", Chủ tịch Quốc hội nói khi đề cập đến Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 22/3, tiếp tục phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh 16 năm chưa thực hiện
Tại đây, liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị không quy định quỹ này.
Theo đó, quy định như dự thảo luật chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định về ngân sách hiện hành, đồng thời, Luật điện ảnh năm 2006 quy định về quỹ này nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được do chưa xác định được nguồn thu...
Báo cáo thêm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị nên giữ quỹ, vì điện ảnh là ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao, khó thu hút đầu tư.
Ông Hùng cho rằng, không nên quá băn khoăn là nhiệm vụ chi của quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, vì nhiệm vụ này chỉ quy định chính sách của Nhà nước đối với việc hỗ trợ làm phim phục vụ nhiệm vụ chính trị...
Trong khi đó, mục đích quỹ là bổ sung sự hỗ trợ đến đối tượng chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh của Nhà nước.
Ông Hùng nói thêm, không nên dựa vào là 16 năm qua chưa làm được thì cắt đi, vì quy định trước đây chưa đầy đủ và nay sẽ thiết kế để thực hiện được.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, từ năm 2006 đến nay mà chưa lập được quỹ thì ra Quốc hội chắc khó được ủng hộ. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đưa có ý kiến, 16 năm không triển khai được thì không nên quy định tiếp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, ngân sách nhà nước không cấp kinh phí cho các quỹ ngoài ngân sách mà nhiệm vụ chi đã được ghi rõ, do đó, nên xem xét bỏ quy định quỹ.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, khi xem phim nước ngoài thấy một số bộ phim ngay từ đầu tiên đã nói rõ được tài trợ bằng Quỹ phát triển điện ảnh.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nên rà soát lại xem kinh nghiệm thế giới làm thế nào và ở Việt Nam vì sao có quy định rồi mà không làm được. Khi đó, Quốc hội mới có cơ sở để quyết định.
"Đừng có lập quỹ cho bằng được, rót một phần ngân sách vào rồi cứ để đấy, lấy tiền lãi từ gửi ngân hàng để nuôi bộ máy quản lý", ông Huệ lưu ý.
Cần phân loại phim phù hợp với quốc tế
Về phân loại, định nghĩa phim, Chủ tịch Quốc hội đánh giá dự thảo luật đưa ra tương đối ổn. Trong thực tế có nhiều thuật ngữ về phim: Phim ngắn, phim hoạt hình, phim hành động, phim tâm lý xã hội, phim tình cảm, phim kinh dị....
Tuy nhiên, thế giới quan điểm như thế nào trong định nghĩa về phim, ông Huệ rằng luật cần bám vào đó để đưa ra. Vì chính sách của Nhà nước về các loại phim này cũng khác nhau, ví dụ phim hoạt hình cho trẻ em thì cần phải ưu tiên, phim kinh dị hay phim bạo lực quá thì hạn chế như thế nào?
Có ý kiến cho rằng luật quá chung chung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại tránh tình trạng "luật khung", "luật ống", "nói thì rất hay nhưng làm không được".
Theo dự thảo luật, phim được phân theo độ tuổi thành 6 loại: P, T18, T16, T13, K, C với loại P là phổ biến mọi độ tuổi, K là dưới 13 tuổi nhưng phải xem cùng cha mẹ, còn C là phim bị cấm; các loại T18, T16 và T13 là trên các lứa tuổi tương ứng.
Về vấn đề nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần phân loại cho phù hợp với quốc tế.
"Tại sao hội nhập thế này không học người ta đi. Tôi thấy trên mạng chỉ có 16+, 18+, 13+, việc gì P, T, K các thứ, hiển thị thế thì thế giới cũng không biết là loại gì. Tôi xem phim, người ta không phân loại như thế, mình một mình một kiểu nó cứ thế nào. Từ việc đã phân loại phải hiển thị. Tôi nêu ra như vậy, dù là tiểu tiết nhưng quan trọng", ông Huệ nêu.
Giải trình tiếp thu sau đó, về vấn đề khắc phục tình trạng "luật khung", "luật ống", Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay, trước đây, với những việc đặt ra sau khi kiểm tra, kiểm soát, đặt nhiệm vụ cho đơn vị sản xuất phim nhưng không làm được, phải nhờ cơ quan quản lý Nhà nước kiểm định, kiểm tra, Bộ dự kiến đưa vào Nghị định.
Tuy nhiên, nếu được cho phép, sẽ đưa thẳng vào luật để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống.
Với các chính sách ưu đãi, Bộ trưởng Hùng nói, trong báo cáo giải trình nói chưa rõ nhưng thực tế, Bộ đã có so sánh về ưu đãi chương trình làm phim của Nhật Bản, Úc, Mỹ, Canada... Theo đó, chủ yếu, các quốc gia tiên tiến sử dụng công cụ thuế, ưu đãi thuế và Bộ cũng đề xuất như vậy.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu, cần tiếp cận điện ảnh theo hai mặt: Một là tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và hai là công nghiệp văn hóa.
Nếu coi đây là ngành kinh tế thì phải tuân theo quy luật kinh tế, nhưng đã là lĩnh vực văn hóa thì Nhà nước phải đầu tư, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn, giáo dục.
Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần bám sát yêu cầu này. Thực tế cho thấy, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, điện ảnh còn rất thấp. Vậy để xứng tầm, ngành điện ảnh phải được quan tâm, đầu tư như thế nào?. Đầu tư cho điện ảnh còn là minh chứng để quán triệt, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với phát triển văn hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận