Chủ tịch nước: 'Phải giải quyết dứt điểm quy hoạch treo ở Củ Chi'
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP HCM cùng Củ Chi giải quyết rốt ráo, dứt điểm tình trạng quy hoạch treo để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
"Không thể cứ nói trên giấy tờ, ở hội trường rất mạnh mẽ, nhưng vào hiện trường thì người dân không thấy sự phát triển, cuối cùng lại là quy hoạch treo và chậm trễ", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tại buổi tiếp xúc cử tri Củ Chi trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV của tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 10, sáng 12/10.
Đơn vị bầu cử số 10 gồm các đại biểu: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ; và thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính uỷ Bộ Tư lệnh TP HCM.
Chủ tịch nước nói Củ Chi có nhiều quy hoạch treo trên 10 năm, từ khu công nghiệp đến khu dân cư, đang gây khó, khổ người dân vì họ không sửa được nhà ở, không có đất đai, và phải chờ đợi. Vấn đề này từ kỳ bầu cử hồi tháng 5, ông đã nghe nhiều người phản ánh, nên TP HCM và Củ Chi phải giải quyết rốt ráo, dứt điểm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con.
Lãnh đạo Nhà nước kể khi đến thăm một gia đình anh hùng thương binh, nhà có 7-8 người con nhưng ở trong một căn nhà chật hẹp, chỉ rộng 4 m chiều ngang. Trong khi đó, xung quanh có mấy hecta đất nông nghiệp thì không tách thửa, xây nhà được vì không thể chuyển mục đích sử dụng đất. Từ ví dụ này, ông đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM sớm tham mưu cơ chế giải quyết cho UBND thành phố.
Chủ tịch nước cũng nhắc lại cuộc xúc tiến đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn vừa qua rất thành công khi thu hút được 12 tỷ USD với nhiều dự án quan trọng. Trong đó, nhiều dự án hạ tầng, nhà ở xã hội có thể giúp thay đổi chất lượng cuộc sống, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Sau đó, UBND huyện Củ Chi đã đeo bám để triển khai, thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề. Tuy nhiên, kết quả vẫn chậm, chưa như mong muốn. Lý do là công tác quy hoạch chưa được giải quyết bài bản, giải phóng mặt bằng còn nhiều vấn đề.
Ông dẫn chứng một dự án mẫu mực về đầu tư nông nghiệp hữu cơ, môi trường sinh thái tại huyện Củ Chi được ông đeo đuổi thực hiện kể từ chuyến đi Singapore hồi tháng 2. Tổng thống Singapore rất quan tâm dự án này, muốn khởi công và đã "trao tận tay" mô hình, cách làm, nguồn lực cho Việt Nam, nhưng đến nay chưa thể triển khai. Nguyên nhân do điều chỉnh quy hoạch chưa hoàn thành nên dự án chưa thể khởi công, dù phía Singapore đã chuẩn bị xong hết.
"Đừng để nửa năm nữa quay lại đây, Đoàn đại biểu Quốc hội lại nghe được những chuyện cử tri đã nói. Có thể không làm được ngay, nhưng phải có chuyển biến", ông nói và nhắc nhở chính quyền Củ Chi và TP HCM "đã hứa phải giữ lời và làm đến nơi đến chốn".
Trước đó, ông Lê Văn Thành, Phòng Quản lý đô thị huyện Củ Chi, cho biết sau hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa phương, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án của huyện. Tuy nhiên, các dự án đã quy hoạch từ lâu, chỉ tiêu xây dựng không còn phù hợp, không có quỹ đất sạch sẵn nên rất khó thu hút. Ông kiến nghị UBND TP HCM sớm điều chỉnh quy hoạch để thu hút nhà đầu tư.
Cử tri Huỳnh Văn Tây, xã Hoà Phú phản ánh Khu công nghiệp Đông Nam quy hoạch 14 năm trước nhưng đến nay chưa làm. 77 hộ dân nhận đền bù giá thấp, chịu thiệt thòi nhưng chưa được tái định cư. Ông đề xuất chính quyền TP HCM có hành động cụ thể, không để dự án treo kéo dài gây bức xúc cho dân.
Còn bà Phạm Thị Ngọc Dung ở xã Bình Mỹ, nêu thực tế tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn hoàn thành từ 2015 nhưng đến nay chưa bàn giao cho đơn vị chuyên môn quản lý, khai thác khiến công trình xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nơi sụt lún gần một mét, mỗi khi triều cường dâng cao người dân lại nơm nớp lo sợ. Trong khi đối diện là TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bờ kè kiên cố, đổ nhựa mặt đường và có phố đi bộ cho người dân vui chơi. Do đó, bà đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm giải quyết dự án trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận