Chủ tịch Hồ Đức Lam vẫn chưa ngừng muốn bán ra “đứa con cưng” Rạng Đông Holding
Ngày 07/06, Chủ tịch HĐQT Rạng Đông Holding Hồ Đức Lam thông báo sẽ tiếp tục bán hơn 5.1 triệu cp RDP (tỷ lệ 10.42%), nếu thành công sẽ đưa lượng sở hữu về còn khoảng 7.7 triệu cp, tương ứng 15.87% vốn.
Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT Rạng Đông Holding
Hiện, thị giá RDP chỉ đang bằng nửa mệnh giá, ông Lam sẽ có thể thu về đâu đó 25 tỷ đồng nếu bán thành công ở vùng này. Đây là đợt thoái lượng cổ phiếu lớn nhất của Chủ tịch RDP từ đầu năm 2024, làm giảm tỷ lệ sở hữu từ 45.04% xuống còn 15.87%. Lần gần nhất cách đây khoảng 1 tháng với 3.2 triệu đơn vị.
Trên thực tế, ông Lam đã giảm đáng kể cổ phần nắm giữ tại RDP từ năm 2020, khi đó tỷ lệ lên tới 64.15% nhưng nhanh chóng giảm còn 51.14% sau một năm. Giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022 cũng là thời điểm giá cổ phiếu RDP lên đỉnh lịch sử quanh 20,000 đồng/cp (sau điều chỉnh).
Tuy nhiên, sau thời kỳ thị trường chứng khoán lao dốc, cùng kết quả kinh doanh đi lùi thấy rõ, đặc biệt là khoản lỗ lịch sử 143 tỷ đồng năm trước do trích lập dự phòng lớn, giá cổ phiếu RDP liên tục đi xuống.
Sắp tới liệu có biến động?
Sẽ không ngoa khi nói RDP là “đứa con cưng” của vị Chủ tịch bởi ông bắt đầu làm việc tại đây từ đầu những năm 90 (trước đây là CTCP Nhựa Rạng Đông) trước khi ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc từ năm 2005. Sau hơn 20 năm gắn bó, ông Lam chính thức trở thành cổ đông chi phối từ năm 2015 với tỷ lệ sở hữu 64.74%.
Có thể nói, 15 năm trước là thời điểm chuyển giao cơ cấu cổ đông của RDP và vị Chủ tịch sau đó đã sở hữu lượng vốn từng thuộc về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Cụ thể, năm 2009, SCIC từng sở hữu hơn 61.31%; trong đó ông Hồ Đức Lam, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, ông Nguyễn Đắc Hải và ông Ngô Viết Sơn chia nhau đại diện 15.33% phần vốn này. Khi đó chưa xuất hiện cổ đông lớn là cá nhân.
Đến tháng 10/2013, SCIC còn nắm 54.21%, con số của ông Lam là 24.08% và một cổ đông lớn khác là bà Nguyễn Thị Hương Giang giữ 6.08%. Một năm sau, doanh nghiệp Nhà nước đã bán hết lượng vốn chiếm tỷ lệ 43.36%, đồng thời xuất hiện 3 cổ đông mua vào số cổ phần này gồm bà Nguyễn Thị Hương Giang (mua 10.67%); ông Nguyễn Hoàng Ngân (15.3%) và bà Huỳnh Minh Đoan (17.3%). Tổng sở hữu của 3 cá nhân trên tính đến 28/08/2014 là gần 60% vốn.
Trong năm 2015, ông Lam hoàn tất nâng sở hữu lên 64.74%. Hai cổ đông lớn là bà Huỳnh Minh Đoan và bà Nguyễn Thị Hương Giang cũng được ghi nhận đã thoái sạch vốn, lần lượt 20.09% và 17.22%. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2015 của RDP cũng đã chấp thuận để Chủ tịch sở hữu tối đa 65% số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Ông Hồ Đức Lam (sinh năm 1962) làm việc tại CTCP Nhựa Rạng Đông (nay là Rạng Đông Holding) từ năm 1989. Đến năm 2005, ông chính thức được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Ngoài ra, ông Lam còn làm Chủ tịch HĐQT tại các công ty con CTCP Nhựa Rạng Đông Long An (RDP nắm 95%) và CTCP Rạng Đông Films (nắm 97.7%); Giám đốc công ty con CTCP Trading Rạng Đông (nắm 84.3%); Chủ tịch HĐQT CTCP Rạng Đông Healthcare; đại diện phần vốn góp 44.97% của RDP tại công ty liên kết CTCP Tiếp vận Song Dũng; Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ 2012 – 2017, 2018 – 2023; Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Đông Nam Á nhiệm kỳ 2014 – 2016.
Năm 2023, vị Chủ tịch và các cổ đông khác cũng chuyển nhượng 19.57% vốn Rạng Đông Films và 34.28% vốn Nhựa Rạng Đông Long An, qua đó RDP nâng tỷ lệ sở hữu tại 2 công ty con này lên lần lượt 97.7% và 95%.
Hồi đầu năm nay, RDP bổ nhiệm Tổng Giám đốc Hà Thanh Thiên làm người đại diện pháp luật Công ty kể từ ngày 29/01/2024, đồng thời miễn nhiệm vai trò này của ông Hồ Đức Lam với lý do cá nhân.
Việc liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu thời gian gần đây bao gồm cả các công ty liên quan, đặt ra nghi vấn liệu có biến động nào đáng kể về vai trò của ông Lam tại RDP sắp tới?
Đơn xin từ nhiệm chức vụ người đại diện pháp luật RDP của ông Hồ Đức Lam. Nguồn: RDP
Tử Kính
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận