Chủ tịch HHV Hồ Minh Hoàng: 'Bán cổ phiếu HHV sẽ phải hối tiếc'
Theo BCTC hợp nhất quý III, Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh so với cùng kỳ 2022.
Cả năm ước vượt 14% kế hoạch lợi nhuận
Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 674 tỷ đồng, tăng 19,6%. Lợi nhuận sau thuế 117 tỷ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp đạt doanh thu hợp nhất 1.825 tỷ đồng, tăng 23,5% và thực hiện 74% kế hoạch năm; lãi sau thuế 309 tỷ đồng, tăng 29% và thực hiện 91% kế hoạch năm.
Tại hội thảo “Kết nối đầu tư – Vươn tầm quốc tế vì một khát vọng Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc HHV chia sẻ với việc trúng thầu và triển khai hàng loạt dự án thi công mới, mảng xây lắp ngày càng đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu. 9 tháng mảng xây lắp đạt 599 tỷ đồng doanh thu, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ gói thầu của dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và dự án đường bao biển Bình Định. Mảng thu phí mang về 1.183 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% và có biên lợi nhuận gộp ổn định ở mức 63%.
Xét cả năm, HHV ước doanh thu hợp nhất 2.511 tỷ đồng, tăng 18% và vượt 1% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế khoảng 385 tỷ đồng, tăng 30% và vượt 14% kế hoạch năm. Theo ông Huy, kết quả kinh doanh dự kiến vượt kế hoạch đề ra nhờ hoạt động thu phí có sự tăng trưởng tích cực hơn so với ước tính đầu năm.
Tại thời điểm 30/9, HHV có vốn chủ sở hữu 8.678 tỷ đồng, nợ phải trả 27.841 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lớn, Tổng giám đốc giải thích HHV đặc thù đầu tư vào các dự án công có vốn đầu tư lớn. Theo quy định, vốn chủ sở hữu tham gia dự án chỉ cần đáp ứng khoảng 10 – 15% vốn đầu tư, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 24% của doanh nghiệp. Các khoản vay dài hạn để đầu tư dự án BOT, các dự án này đã đi vào vận hành và có nguồn thu ổn định để trả nợ cũng như thanh toán lãi vay. Đồng thời, dự án được cơ quan nhà nước cam kết đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT bày tỏ "với lý do trên nhà đầu tư không nên vì nợ lớn mà bán cổ phiếu HHV, sẽ phải hối tiếc".
Cơ hội rất lớn với 5.000 km đường cao tốc và 6.354 km đường sắt
Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả là đơn vị thành viên của Tập đoàn Đèo Cả - được mệnh danh “Vua hầm”. Doanh nghiệp có 3 mảng hoạt động chính gồm đầu tư, thi công xây lắp và quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông.
Những dự án làm nên tên tuổi Đèo Cả như chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân, dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hoà, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo….
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Đấu thầu Tập đoàn Đèo Cả, bày tỏ cơ hội cho HHV nói riêng và doanh nghiệp hạ tầng nói chung trong thời gian tới rất lớn. Theo hoạch định phát triển hạ tầng giao thông, Chính phủ đặt mục tiêu đến 2030 Việt Nam sẽ có 5.000 km đường cao tốc. Với quy hoạch mạng lưới đường sắt, tầm nhìn đến 2050 có 25 tuyến chiều dài 6.354 km, nhu cầu vốn dự kiến hơn 100 tỷ USD.
Bản thân HHV, giai đoạn 2023 - 2025, đề xuất đầu tư gần 400 km đường cao tốc là các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (ở Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương … với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt, dự kiến khởi công trong tháng 12.
Doanh nghiệp còn nghiên cứu dự án đường sắt – dự án Metro 2 giai đoạn III TP.HCM tổng đầu tư lên đến 59.708 tỷ đồng.
Để có nguồn lực tham gia đấu thầu dự án, HHV đề ra chiến lược huy động vốn. Ông Huy cho biết trong năm 2023, doanh nghiệp thực hiện chào bán hơn 82 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, huy động 823 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp dự án và bổ sung vốn lưu động. Đến đầu 2024, công ty sẽ chào bán riêng lẻ cho cổ đông chiến lược để thu về 741 tỷ đồng đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú – Bảo Lộc, TP.HCM – Chơn Thành...
Lãnh đạo HHV cho biết quá trình huy động vốn sẽ đi theo lộ trình các dự án. Thông thường, các dự án đầu tư công từ đề xuất đến chuẩn bị hồ sơ, được phê duyệt pháp lý và có thể thi công kéo dài 2 đến 3 năm.
Ngoài vốn, các doanh nghiệp trong nước chưa có năng lực về đầu tư, thi công và vận hành công trình đường sắt, metro. Do vậy, HHV cũng có những chuẩn bị về con người, đào tạo kết hợp hợp tác với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Trung Quốc để làm chủ công nghệ.
Ông Hồ Minh Hoàng cho biết Đèo Cả tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao với tư cách nhà thầu. Chính phủ đưa ra công nghệ gì thì Đèo Cả với tư cách nhà thầu sẽ sử dụng công nghệ đó. Do vậy, HHV đang giải bài toán biết gì, đang học tập công nghệ các nhà đầu tư nước ngoài để chuẩn bị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận