menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tô Đông Pha

Chủ động khai thác thị trường khi nông sản đến vụ

Chủ động chuẩn bị thị trường, nhất là thị trường nội địa cho tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng ùn ứ là một trong những nhiệm vụ lớn của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) trong năm 2023. Vì vậy, với nguyên tắc sớm và coi thị trường trong nước là nền tảng, Cục sẽ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối truyền thống, hiện đại trong nước và thị trường nước ngoài.

Chủ động khai thác thị trường khi nông sản đến vụ
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối truyền thống, hiện đại. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Qua đó, nhiệm vụ được thực hiện với hình thức đa dạng, hướng đến nhiều đối tượng như hội chợ, phiên chợ, tuần hàng, lễ hội quảng bá lồng ghép với các sự kiện văn hóa - du lịch lớn, nhất là chuỗi chương trình kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ cho mặt hàng nông sản cụ thể của địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm sản lượng lớn, đến vụ hoặc sắp đến vụ.

Mặt khác, Cục cũng tiến hành kết nối xuất khẩu thông qua các nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam; khai thác quan hệ hợp tác đã được thiết lập với các tập đoàn phân phối đã hiện diện tại Việt Nam như: Aeon; Lotte; Mega Market; Big C; Decathlon... nhằm thúc đẩy việc thu mua, tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam tại hệ thống phân phối của các tập đoàn này trên thế giới.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại triển khai hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Điều này góp phần hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thụ hoạch trước mắt, vừa hỗ trợ các địa phương khai thác kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng một cách nhanh chóng, hiệu quả, phát triển thương mại đa kênh.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, thị trường trong nước vẫn là nơi tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm nông sản. Bên cạnh việc giảm áp lực cho hoạt động xuất khẩu còn giúp bình ổn thị trường trong nước, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa cũng còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế.

Nhiều địa phương, việc tổ chức sản xuất không tuân thủ quy hoạch, chưa theo tín hiệu thị trường dẫn đến tình trạng dư thừa, mất giá hoặc khi thị trường có nhu cầu, được giá thì lại không có sản phẩm để bán.

Ở góc độ xúc tiến thương mại, nhiều địa phương trên cả nước còn thiếu cơ sở hạ tầng để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô cấp vùng, cấp quốc gia. Không những thế, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ làm xúc tiến thương mại còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được khắc phục, chưa thực sự theo kịp yêu cầu của các hoạt động lớn, cần sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh.

Đặc biệt, tính liên kết chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, dẫn đến nguồn lực cho xúc tiến thương mại bị dàn trải, chồng chéo, thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hải Dương) chia sẻ, Hải Dương là một tỉnh nông nghiệp truyền thống và có sản lượng nông sản dồi dào. Dự kiến sản lượng năm 2023 gồm: lúa gạo 720.000 tấn; rau màu mùa đông (su hào 180.000-200.000 tấn; cà rốt 80-100.000 tấn; hành tỏi 80-120.000 tấn). Với cây ăn quả, trái vải thiều Thanh Hà 65.000-67.000 tấn; ổi 75-80.000 tấn; na 15-20.000 tấn; nhãn 12-15.000 tấn.

Với sản lượng này, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ theo từng loại và từng mùa vụ. Đơn cử như cây vải thiều, đến ngày 24/5 dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị kết nối giao thương vải thiều để mời các địa phương, doanh nghiệp, bộ ngành đến địa phương, tạo sự kết nối từ rất sớm. Dự báo, năm nay tháng 6 vải sẽ chín.

Tiếp sau đó, ngày 31/5 sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại để tổ chức Hội nghị trực tuyến với 4 tỉnh, thành phố khác để cùng Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu nông sản Hải Dương đến các quốc gia, các khách hàng để hỗ trợ tiêu thụ, không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, có thể khẳng định rằng nông sản của Hải Dương đa phần tiêu thụ nội địa. Sản lượng nông sản hàng năm chủ yếu cung cấp cho các tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng; trong đó, tập trung cho Hà Nội và một số tỉnh thành phía Nam. Còn lại xuất khẩu chỉ tập trung cho một số mặt hàng đặc trưng, đặc sản như cà rốt khoảng 80%.

Đối với trái vải thiều, hàng năm, Hải Dương xuất khẩu khoảng 20-30%, thị trường chính là Trung Quốc. Bên cạnh đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Đông… nhưng sản lượng chưa nhiều nên phần lớn nông sản vẫn tiêu thụ nội địa.

Ông Nguyễn Anh Phương,Trưởng phòng Điều hành vùng khu vực miền Bắc, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho hay, hiện tại 90% hàng hóa của MM Mega Market đang là hàng sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Công ty cũng đang vận hành 5 trạm trung chuyển để đảm bảo giữ được chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm từ các vùng trồng, vùng nuôi đến các địa phương trên cả nước.

Đó là trạm trung chuyển rau quả ở Đà Lạt; hải sản ở Hậu Giang; 2 trạm thịt lợn Đồng Nai và Hà Nội; điểm trung chuyển rau quả ở Tiền Giang. Thông qua các trạm trung chuyển, sản phẩm từ vùng trồng đến được các trung tâm theo chuỗi khép kín, đúng quy chuẩn, đưa đến các điểm bán phục vụ cho khách hàng.

Với các giải pháp, những năm qua, sản lượng tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản mùa vụ tăng cao theo từng năm. Riêng năm 2022, Công ty tiêu thụ được hơn 100 tấn trái cây Đồng bằng sông Cửu Long, Tuyên Quang, Đăk Lắk; hơn 40 tấn rau củ từ Hải Dương, Đắk Nông, Bắc Giang. Năm 2023, hy vọng sản lượng này sẽ tiếp tục tăng.

Có thể thấy rằng áp lực của trái cây mùa vụ là thời gian thu hoạch ngắn, có những loại chỉ trong 1-2 tháng phải tiêu thụ hết nên tạo ra áp lực lớn lên các đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng, từ người dùng đến đơn vị cung ứng, bảo quản và doanh nghiệp bán lẻ.

Do đó, Công ty luôn có kế hoạch làm việc với hợp tác xã, hộ nông dân trong ngắn hạn và trung hạn để đảm bảo hàng hóa của các hộ nông dân và hợp tác xã sản xuất ra được tiêu thụ trong hệ thống. Các đối tác sẽ yên tâm trong trồng và nuôi sản phẩm theo mùa vụ khi đảm bảo sản phẩm chắc chắn được bao tiêu.

Ngoài ra, các hộ nông dân và nuôi trồng cũng phải nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, sơ chế, đóng gói, vận chuyển để hàng hóa tới được các điểm tiêu thụ là các trung tâm lớn mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Nhằm khắc phục khó khăn và hỗ trợ tiêu thụ bền vững cho mặt hàng nông sản tại thị trường nội địa, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, tới đây Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại lớn.

Chẳng hạn như Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”, hội chợ, triển lãm, chuỗi chương trình kết nối giao thương cấp vùng, hỗ trợ xúc tiến đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, nông sản mang chỉ dẫn địa lý của các địa phương...

Về kế hoạch xúc tiến thương mại mang tính bền vững, dài hạn, Cục sẽ tập trung việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản địa phương thông qua một số giải pháp.

Cụ thể như việc hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung ứng địa phương áp dụng truy xuất nguồn gốc nhằm minh bạch thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng; huấn luyện về kỹ năng xúc tiến thương mại, kỹ năng tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, thiết kế phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung ứng.

Đặc biệt, Cục cũng sẽ huy động các nguồn lực, nhất là sự hỗ trợ về kỹ thuật của các đối tác trong nước và nước ngoài, đặc biệt các sàn thương mại điện tử trong nước như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki và sàn thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, Alibaba. Qua đó, huấn luyện, nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng về chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, các kỹ năng quảng bá bán hàng trên môi trường số nhằm đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại và phát triển kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại