Chống suy thoái kinh tế
Người ta nói “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” có thể hiểu đó là cách nói về mức độ cấp bách của nó, chứ suy thoái kinh tế là biểu hiện của kết quả chứ không phải là đối tượng thuộc về nguyên nhân. Phát triển là chiều ngược lại của suy thoái. Thúc đẩy kinh tế phát triển thì chẳng cần phải nói chống gì hết. Tâm lý lúc nào cũng gồng lên như đánh giặc thì số khổ. Người ta cũng chỉ ra 3 trụ cột được hình tượng là “cỗ xe tam mã” để thúc đẩy kinh tế phát triển là đầu tư công, xuất khẩu và tiêu
Thực tế, trong 3 trụ cột thì phải đặt tiêu dùng lên hàng đầu. Dân tiêu dùng thì phải có nhu cầu và có tiền để tiêu. Để giải quyết việc làm của nhiều người thì phụ thuộc số đông người tiêu dùng. Lương thực, thực phẩm, đồ mặc là những thứ thiết yếu. Các nhu cầu tụ tập, ăn uống, vui chơi, du lịch kích thích nhiều hoạt động dịch vụ. Người dân có tiền dự trữ mang tiêu dùng trong lúc này cũng có tâm lý thận trọng. Người không có tiền thì phải đợi có việc làm mới có thu nhập. Muốn có việc làm thì đợi người ta tiêu tiền. Cứ luẩn quẩn thế.
Để tạo ra cú hích tiêu dùng nếu nhà nước bỏ tiền trợ cấp cho dân như nhiều nước vẫn áp dụng mỗi khi kinh tế trì trệ hoặc khó khăn thì tốt quá. Rất tiếc là ngân sách nhà nước cũng thiếu. Đến việc giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt chẳng hạn để tăng sức mua của dân cũng còn không làm được. Vừa rồi giảm phí trước bạ 50% cho ô tô cũng là một cố gắng. Tuy nhiên, về bản chất thì phí này đã áp đặt thu cao một cách rất phi lý. Kích thích tiêu dùng bằng các chiêu khuyến mãi thì các doanh nghiệp chẳng cần đợi nhà nước gợi ý, bởi khuyến mãi mà bị lỗ thì sập tiệm từ từ, còn không bán được hàng thì phá sản nhanh.
Ta có may mắn là chống dịch khá tốt. Bất chấp hàng không kêu lỗ lớn thì các sân bay giờ đông nghịt khách nội địa. Hàng không đông đúc chứng tỏ giao lưu làm ăn, vui chơi sôi động. Các dịch vụ du lịch vui chơi kéo theo bao thứ mua sắm khác. Thế nhưng, khách đi máy bay ngán ngẩm khi nhìn khu vực check-in và kiểm tra an ninh nội địa lộn xộn, đông đúc đã thấy người ta chẳng chú ý tiêu dùng trong nước. Sân bay Nội Bài lúc này lại đem một đường băng ra sửa, còn máy bay cứ bay lòng vòng hàng chục phút tốn nhiên liệu và làm hành khách vô cùng mệt mỏi. Ví dụ này cho thấy ta thường rất vênh nhau giữa mong muốn và thực tế vào đúng lúc khó khăn.
Nói về thúc đẩy xuất khẩu lúc này thì không hiểu phải làm thế nào khi thế giới đang dịch bệnh. Các doanh nghiệp Việt có thể khó khăn nhưng không phải là không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngoài biên giới. Ngoài cái khó khi không có đơn hàng, thì việc đóng cửa với thế giới là vấn đề không nhỏ. Có những lô hàng, đối tác không sang được, chuyên gia không sang được nên không xuất khẩu được. Có những đơn hàng phải có tiếp xúc, bàn bạc, kí kết mới thực hiện được. Nội bất xuất, ngoại bất nhập không phải lúc nào trao đổi trực tuyến cũng giải quyết được việc.
Thúc đẩy đầu tư công lúc này là đúng lúc. Tuy nhiên, phải xem hiệu quả đầu tư công thế nào là tối ưu. Tại sao ta lắm đoạn đường, cầu cống BOT và thu phí? Đấy là vì ta thiếu đầu tư công. BOT thu phí thì khác gì là dân tự lo với nhau. Các nước giàu có, kinh tế phát triển, nhà nước thu thuế nhiều thì đầu tư công nhiều. Cơ sở vật chất quốc gia tích luỹ nhiều thì đất nước mới giàu. Dân cũng chỉ có bằng ấy tiền, nếu không có những công trình chung được hưởng, gì cũng phải bỏ tiền ra thì không còn tiền mua thứ khác.
Đầu tư công phải nhằm đến lợi ích lâu dài và phục vụ cộng đồng càng nhiều càng tốt. Cổng chào, tượng đài, trụ sở xây lên cũng tiêu thụ xi măng, sắt thép, đồ nội thất, tạo công ăn việc làm đấy nhưng hiệu quả chỉ là cục bộ. Đầu tư công nếu nhắm đến nâng cao hạ tầng hiện đại phục vụ cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp làm giảm chi phí của dân và doanh nghiệp là thứ đầu tư có hiệu quả lâu dài. Tiền bình thường đã thiếu, nếu lúc thúc đẩy đầu tư công này mà mỗi bộ, ngành, địa phương mạnh ai nấy xin có khi lại chẳng mấy hiệu quả. Lúc này là lúc sắp chuyển giao nhiệm kì, ngân sách đầu tư rất dễ có vai trò làm vui vẻ cả.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận