Chống buôn lậu, vận chuyển hàng giả: Vạch trần thủ đoạn tinh vi
Dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa đang ngày càng trở thành một dịch vụ cần thiết trong cuộc sống; tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng kênh bưu chính này để vận chuyển hàng giả, hàng lậu, thậm chí hàng cấm.
Thủ đoạn mới dùng kênh bưu chính
Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua đường bưu chính. Điển hình là vụ phát hiện hơn 100.000 sản phẩm gồm chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, giả xuất xứ và các vi phạm khác. Toàn bộ số hàng này được đóng trong các thùng carton, bao tải, túi nilon, bên ngoài có dán các thông tin về chủ hàng, đang tập kết tại Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong (nằm trong khuôn viên cảng ICD Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để chuẩn bị chuyển phát. Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện kho hàng lậu 10.000m2 tại Lào Cai, thường xuyên sử dụng hình thức chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu cho khách. Mới đây, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Lạng Sơn) cũng phát hiện một hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh gửi hàng nghìn sản phẩm nghi nhập lậu.
Theo Tổng cục QLTT, hiện nay, hình thức chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm qua đường bưu chính là một thủ đoạn mới, khá tinh vi. Nhiều trường hợp hàng hóa, bưu kiện được kẹp chì, dán niêm phong, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý gian lận.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLcho biết, lực lượng QLTT hay công an, nhìn thấy xe của các hãng bưu chính, ít khi dừng để kiểm tra, do Luật Bưu chính năm 2010 có những cản trở nhất định trong việc giám sát.
Ngoài ra, theo Luật Bưu chính năm 2010, đơn vị vận chuyển không phải chịu trách nhiệm, người gửi phải chịu trách nhiệm. Trong khi địa chỉ của người gửi ở trên tờ giao nhận chỉ ghi chung chung, hoặc thậm chí sau khi xác minh địa chỉ còn không có thật. Hiện nay, có quá nhiều đơn vị được cấp phép làm dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh. Khi gửi qua bưu chính, chỉ cần 1 phiếu giao nhận, thậm chí các đơn vị vận chuyển hành khách cũng có thể giao hàng.
Siết chặt thương mại điện tử
Thương mại điện tử phát triển đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chuyển phát hàng hóa, nhất là qua bưu chính. Dịch vụ này đang bị các đối tượng lợi dụng như một phương thức mới cho việc kinh doanh hàng cấm, hàng lậu. Thậm chí, một số kho hàng lậu khi phát hiện, có cả xe của bưu chính đỗ tại cửa kho, nhân viên bưu chính mặc áo đồng phục, lấy hàng và chỉ cần 1 phiếu giao hàng rồi vận chuyển đi khắp nơi.
Để ngăn chặn tình trạng này, việc cần có một quy định siết chặt buôn bán qua thương mại điện tử là điều phải làm ngay. Hiện Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 52 quản lý về thương mại điện tử. Dự thảo nghị định có tăng thẩm quyền và thay đổi phương thức quản lý đối với các mô hình thương mại điện tử.
“Sẽ coi việc bán hàng trên mạng cũng như bán hàng truyền thống. Bởi quy định bán hàng trên mạng vẫn còn lỏng hơn so với bán hàng truyền thống. Dự thảo nghị định điều chỉnh và bổ sung quy định các phương thức quản lý kinh doanh trên mạng rõ hơn” - ông Trần Hữu Linh khẳng định.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Chỉ thị số 28/CT-BTTTT yêu cầu doanh nghiệp cung ứng bưu chính cần nâng cao cảnh giác, tăng cường kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa tại các điểm phục vụ trước khi chấp nhận bưu gửi. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận