24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Đạt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cho phép tổ chức tín dụng mua “quay vòng” trái phiếu doanh nghiệp

Theo dự thảo Thông tư mới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bãi bỏ quy định cấm tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong vòng 1 năm sau khi bán.

Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định trong vòng 12 tháng các tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán. Sau đó, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN (Thông tư số 03) ngưng hiệu lực thi hành quy định này đến ngày 31/12/2023. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước dự kiến bãi bỏ quy định này.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN (Thông tư số 16) ngày 10/11/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Dự thảo Thông tư bao gồm 5 Điều gồm: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16; Sửa đổi cụm từ và bãi bỏ một số điều của Thông tư số 16; Trách nhiệm tổ chức thực hiện; Điều khoản thi hành.

Lãi suất trái phiếu nhóm ngân hàng nhích lên sau nhiều tháng đi ngang

Cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết

Phòng ngừa rủi do tập trung tín dụng

Theo dự thảo, việc sửa đổi khoản 4 Điều 1 Thông tư số 16 là để phù hợp với đặc thù hoạt động của các tổ chức tín dụng tham gia thực hiện chuyển giao bắt buộc. Cụ thể: Việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp giữa tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và tổ chức tín dụng hỗ trợ, bên nhận chuyển giao bắt buộc thực hiện theo phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng đó, việc bổ sung khoản 14 vào Điều 4 để phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 vừa được ban hành như sau: “Doanh nghiệp phát hành phải gửi cho tổ chức tín dụng thông tin về người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với doanh nghiệp phát hành. Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương; người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với doanh nghiệp phát hành.”.

Bổ sung khoản 15 Điều 4: Tổ chức tín dụng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định này nhằm góp phần hỗ trợ theo dõi, giám sát tình hình sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường minh bạch thông tin, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững; đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 để phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng, nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ gốc, lãi trái phiếu, cụ thể như sau: Thực hiện theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành; trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết với tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn. Trường hợp doanh nghiệp phát hành không mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết và yêu cầu của tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp đầy đủ.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 để phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 vừa được ban hành, cụ thể như sau: Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp và người có liên quan của doanh nghiệp đó phát hành) được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định này nhằm góp phần hỗ trợ theo dõi, giám sát tình hình sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết

Dự thảo Thông tư bãi bỏ khoản 11 và khoản 12 Điều 4; trong đó khoản 11 quy định “Trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết), tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi: Đáp ứng các quy định khác tại Điều này; Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp với bên mua trái phiếu; Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp” (khoản 11 Điều 4 này đã được ngưng hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2023 theo quy định tại Thông tư số 03).

Hiện nay, sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được vận hành và các trái phiếu còn dư nợ phải đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) nhằm tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản cho các trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Bên cạnh đó, khi tổ chức tín dụng thực hiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán, tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định khác tại Thông tư số 16 tương tự như khi tổ chức tín dụng mua lần đầu.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ quy định này tại Thông tư số 16 và Thông tư số 03 không cần phải kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành.

Theo Công ty Chứng khoán Shinhan, vào thời điểm cuối quý 4/2022, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 2,68% thì tới thời điểm quý 4/2023 con số này chỉ còn 1,91%/tổng tín dụng của các ngân hàng niêm yết. Về giá trị tuyệt đối, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng niêm yết trên HOSE cuối quý 4/2023 giảm 14,5% so với quý 4/2022. Nhóm ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp/tổng tín dụng lớn nhất là TPBank, Techcombank, MB và VPBank (đạt trong khoảng từ 4-7%).

Ngân Thương

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
91.70 +0.20 (+0.22%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả