Chờ đợi tiền đầu cơ xoay vòng
Trong tuần này, đà hồi phục có thể sẽ đứng trước những thử thách lớn hơn khi mà sự lan tỏa đã không còn dư địa. Thị trường muốn tăng tiếp thì bắt buộc dòng tiền đầu cơ phải xoay vòng sang các cổ phiếu vẫn còn trong trạng thái tiêu cực.
Yếu tố cơ bản: Sự phân hóa lớn đang diễn ra giữa các chỉ số
Trong tuần qua, bức tranh toàn cầu về diễn biến các chỉ số chứng khoán vẫn tiếp tục chứng kiến sự phân hóa. Sự dẫn dắt vẫn đang thuộc về nhóm các chỉ số lớn như DowJones, Shanghai hay Nikkei 225. VN-Index mặc dù giữ được đà hồi phục nhưng vẫn được xếp vào nhóm các chỉ số yếu.
Các chỉ số chứng khoán trong khu vực Ðông Nam Á cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ðiều này được ngầm hiểu là VN-Index nằm trong nhóm các chỉ số có độ nhạy cảm cao với các biến động từ thị trường quốc tế.
Ðáng chú ý, khối ngoại và tự doanh công ty chứng khoán vẫn tiếp tục đẩy mạnh bán ròng. Khối ngoại vẫn bán ra rất đều đặn thông qua khớp lệnh trên sàn, cũng như qua quỹ ETFs. Nhìn chung, diễn biến này không có gì mới, nhưng việc “dòng tiền lớn” vẫn tiếp tục bán ròng sẽ là rào cản lớn để chỉ số có thể thoát khỏi “thị trường gấu”!
Yếu tố kỹ thuật: Tâm lý có sự cảnh giác cao độ
Ðộ lệch giữa phái sinh và cơ sở tiếp tục bị kéo giãn ra gần 30 điểm. Ðiều này cũng không có gì bất ngờ khi bên bán (kể cả đầu cơ lẫn phòng hộ rủi ro) là bên chủ động hơn trong tầm nhìn trung - dài hạn.
Nhìn chung, góc nhìn kỹ thuật trong ngắn hạn là khá trung lập, nhưng cần cẩn trọng hơn vì tâm lý nhà đầu tư hiện tại rất dễ nhạy cảm với thông tin xấu xuất hiện.
Dòng tiền bên mua có dấu hiệu hụt hơi trong tuần qua khi bên mua không còn chấp nhận việc mua đuổi, thay vào đó là chủ động mua trong các nhịp giảm. Ðiểm tích cực là bên mua vẫn đang là người chi phối tốt hơn xu hướng trong ngắn hạn nên áp lực rung lắc trong điều kiện bình thường nếu có xảy ra thì cũng rất khó để tạo ra sự hoảng loạn lớn.
Sự lan tỏa đang neo ở vùng quá cao, đó là lý do chính khiến bên mua không còn duy trì sự quyết liệt, hiện tại đường đà lan tỏa vẫn còn duy trì trên mức trung bình 2 tuần, ngụ ý đà hồi phục của các chỉ số chung vẫn chưa bị đánh mất.
Rất khó để đòi hỏi sự lan tỏa tích cực hơn, nên vấn đề của một vài trụ riêng lẻ đóng vai trò hết sức then chốt.
Bức tranh của các cổ phiếu trụ tiếp tục chứng kiến sự phân hóa lớn, tuy nhiên sự phân hóa thì không được duy trì quá lâu, nếu thị trường muốn tăng tiếp thì đòi hỏi phải có sự thay máu của dòng tiền đầu cơ ở những cổ phiếu hiện đang ở trong trạng thái kém.
Sự trỗi dậy của VNM giúp VN30 không rơi vào trạng thái xấu trong phiên giao dịch gần nhất, còn tương đối nhiều những cổ phiếu vẫn đang lầm lũi trong vùng tiêu cực như: VCB, TCB, CTG, VHM… Ðây có thể xem là hy vọng của bên Long (Mua). Trong trường hợp ngược lại, nếu dòng tiền vẫn không lan tỏa tới các cổ phiếu này thì nhịp giảm trở lại rất dễ xảy ra.
Khuyến nghị: Canh Bán khi chỉ số gãy xu hướng hồi phục
Những phiên rung lắc đang ngày càng xuất hiện với tuần suất dày đặc hơn, cường độ mạnh hơn, nhưng cách hấp thụ của bên mua trong các nhịp điều chỉnh cũng cho thấy sự chủ động cần thiết để chỉ số chung tiếp tục duy trì được đà hồi phục.
Tuy nhiên, càng nhiều pha rung lắc thì sức chịu đựng của bên mua sẽ càng yếu dần theo thời gian.
Trong tuần này, đà hồi phục có thể sẽ đứng trước những thử thách lớn hơn khi mà sự lan tỏa đã không còn dư địa, thị trường muốn tăng tiếp thì bắt buộc dòng tiền đầu cơ phải xoay vòng sang các cổ phiếu vẫn còn trong trạng thái tiêu cực, còn không sự hoảng loạn rất có thể sẽ lại tái diễn.
Khi đà hồi phục chưa kết thúc thì chiến lược Short (Bán) cần có sự kiên nhẫn hơn, cụ thể là đà hồi phục trên chỉ số phái sinh VN30F2005 sẽ kết thúc khi vùng giá 680 - 685 điểm bị xuyên thủng. Vị thế Short có thể được ưu tiên khi xuất hiện hiện tượng này.
Ngược lại, vị thế Long (Mua) sẽ chủ yếu bám theo đà tăng này với sự phản ứng tốt của giá ở các vùng hỗ trợ gần nhất quanh 690 điểm cho đến khi kết thúc nhịp hồi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận