menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

Chờ đợi sửa Luật thuế thu nhập cá nhân

Dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến, trong đó nội dung liên quan đến

Dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến, trong đó nội dung liên quan đến việc xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi đang thu hút sự quan tâm của công chúng.

Dự thảo này xem xét giảm bậc tính thuế với người làm công ăn lương từ 7 xuống 5, riêng mức giảm trừ gia cảnh sẽ chưa điều chỉnh. Sự điều chỉnh số bậc tính thuế là cần thiết và không phải đến bây giờ mới được đề cập đến.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế; cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.

Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, việc cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc là phù hợp với xu thế thế giới để cải thiện quản lý và tuân thủ thuế.

Vấn đề là cắt giảm như thuế nào, mức độ ra sao? Nhiều chuyên gia cho rằng, nên bỏ 2 bậc đầu tiên nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nhóm lao động có thu nhập thấp.

Việc giảm 2 bậc thuế thấp nhất sẽ hỗ trợ số đông người thu nhập trung bình tăng khả năng chi tiêu, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng tốt hơn và số hụt thu từ nhóm thu nhập thấp hơn sẽ được bù đắp bởi số tăng thu ở nhóm thu nhập cao hơn. Theo đó, điều này thậm chí còn giúp tăng thu cho NSNN. Đây là một mũi tên trúng hai đích khi điều chỉnh chính sách thuế.

Còn về mức giảm trừ gia cảnh, từ 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN đã được Quốc hội đồng ý tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng.

Dự thảo cho rằng, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay bằng hơn 2,6 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng), đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng mỗi tháng) cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Tuy vậy, con số 4,4 triệu đồng mỗi tháng (mức giảm trừ với người phụ thuộc) đã và đang nhận những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, với 4,4 triệu đồng mỗi tháng rất khó để xoay xở, làm sao có thể nuôi một đứa trẻ hay một người già chỉ với 4,4 triệu đồng? Và cũng không thể cào bằng giữa thành phố và nông thôn. 4,4 triệu đồng mỗi tháng có thể chi trả đủ cho một đứa trẻ nếu trẻ sống ở nông thôn và… không được ốm! Còn nếu ở thành phố và cũng là nơi tập trung đa số người có thu nhập thuộc diện nộp thuế thì 4,4 triệu đồng không thể lo cho một đứa trẻ có thể đi học, ăn mặc, được thụ hưởng các dịch vụ y tế một cách đầy đủ.

Bên cạnh đó, người có thu nhập thường xuyên trên 1 triệu đồng/tháng thì không được tính là người phụ thuộc để được tính giảm trừ gia cảnh - quy định này cũng cho thấy sự bất hợp lý. Với thu nhập thường xuyên trên 1 triệu đồng thì bản thân người già cũng đã không thể tự chi trả nổi các khoản chi phí ăn uống, khám chữa bệnh chứ chưa nói đến các khoản phát sinh là tiền ma chay cưới hỏi.

Ban soạn thảo cho biết, nếu dự kiến đến 2026, Luật thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực thi hành, Việt Nam có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tới.

Luật thuế TNCN quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức gia cảnh gần nhất, thì Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ phù hợp với biến động của giá cả cho kỳ tính thuế tiếp theo. Rõ ràng, để được điều chỉnh thì sự chờ đợi này là quá lâu!

Chính Ban soạn thảo luật cũng đã nhìn nhận rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc sẽ phản ánh kịp thời những sự thay đổi về chi phí sinh hoạt của người nộp thuế tại thời điểm Luật thuế TNCN (sửa đổi), thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó, sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và người nộp thuế TNCN. Số giảm thu NSNN có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng.

Dễ thấy, luật thuế TNCN hiện hành đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và cơ quan quản lý cũng đã thừa nhận trong dự thảo. Như nếu được thông qua đi chăng nữa thì cũng phải chờ đến 4 năm sau, Luật thuế TNCN sửa đổi mới có thể áp dụng, thì liệu rằng có quá chậm trễ và tới lúc đó, quy định luật liệu có lỗi thời ngay lúc ban hành hay không?

Theo thống kê của Bộ Tài chính, đóng góp của thuế TNCN trong tổng thu NSNN ngày càng lớn. Nếu như năm 2011, số thu thuế TNCN là 38.458 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 5,33% trong tổng thu NSNN thì đến năm 2021, con số đã tăng lên 127.655 tỷ đồng và đóng góp 8,14% trong tổng thu NSNN. Qua đó cho thấy vai trò lớn của nguồn lực này.

Trình bày tại kết quả nghiên cứu, Bộ Tài chính cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, các khoản thu nhập của cá nhân ngày càng đa dạng, phức tạp, các hình thức kinh doanh mới liên tục xuất hiện tạo ra nhiều nguồn thu nhập cho cá nhân. Trong khi đó, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, khả năng phân tích, dự báo còn hạn chế, phản ứng chính sách còn chậm chưa theo kịp với sự phát sinh ngày càng nhiều loại hình kinh doanh mới.

Bởi vậy, quan điểm của người viết cho rằng, sự tăng thu cần trên cơ sở rà soát và bao quát diện đóng thuế để không bỏ sót đối tượng nộp thuế, chống thất thu thuế, hạn chế tối đa tình trạng trốn thuế nhằm giúp hoạt động thu thuế trở nên công bằng. Cần nuôi dưỡng nguồn thu với việc giảm bớt bậc thuế và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hàng năm. Quan trọng nhất là phải sớm hoàn thiện dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền thông qua Luật thuế TNCN sửa đổi, không nên để người dân phải chờ quá lâu và chứng kiến sự loay hoay với các điều khoản chỉnh sửa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại